Reuters cho biết 2 phụ nữ kể trên bao gồm bà Menekse Tabak, 70 tuổi và bà Masallah Cicek, 55 tuổi.

Trong bức ảnh do hãng tin nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu đăng tải, bà Tabak được quấn bằng chăn và được lực lượng cứu hộ đưa ra xe cứu thương ở tỉnh Kahramanmaras.

Còn bà Cicek được đưa ra khỏi đống đổ nát của một tòa nhà bị sập ở Diyarbakir, thành phố lớn nhất phía Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Lực lượng cứu hộ ở Thổ Nhĩ Kỳ đã kéo 2 phụ nữ còn sống ra khỏi đống đổ nát sau khi họ bị mắc kẹt suốt 122 giờ do trận động đất kinh hoàng. Ảnh: AA

Phó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Fuat Oktay nói với các phóng viên rằng khoảng 31.000 nhân viên cứu hộ đã được triển khai trên khắp khu vực bị ảnh hưởng. Ít nhất 67 người được cứu trong 24 giờ qua và khoảng 80.000 người đang được điều trị tại bệnh viện. Ngoài ra, 1,05 triệu người bị mất nhà cửa do động đất phải trú ẩn trong những nơi trú ẩn tạm thời.

“Mục tiêu chính của chúng tôi là đảm bảo cho họ trở lại cuộc sống bình thường bằng cách cung cấp nhà ở trong vòng 1 năm và để họ chữa lành nỗi đau càng sớm càng tốt” – Phó Tổng thống Oktay nói.

Theo Reuters, tính đến ngày 11-2, số người thiệt mạng do động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã vượt quá con số 24.150.

Cơ quan quản lý thảm họa Thổ Nhĩ Kỳ thống kê số người thiệt mạng ở nước này đã tăng lên 20.665 người. Tại Syria, hơn 3.500 người đã thiệt mạng. Nhiều người khác vẫn còn mắc kẹt dưới đống đổ nát.

Truyền thông nhà nước Syria đưa tin Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã có chuyến đi đầu tiên tới các khu vực bị ảnh hưởng kể từ sau trận động đất. Ông vào thăm một bệnh viện ở Aleppo cùng phu nhân Asma.

Trước đó, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) phàn nàn họ đang cạn kiệt nguồn dự trữ ở Tây Bắc Syria – hiện do quân nổi dậy kiểm soát – vì tình hình xung đột ngăn cản các nỗ lực cứu trợ.

Trận động đất mạnh 7,8 độ richter đầu tuần này, kéo theo dư chấn mạnh ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, được xếp hạng là thảm họa thiên nhiên nguy hiểm thứ 7 trong thế kỷ này, vượt qua trận động đất và sóng thần ở Nhật Bản năm 2011.


Phạm Nghĩa