Chính quyền đảo Phuket đặt mục tiêu tiêm chủng cho hầu hết 460.000 người dân trên đảo từ nay cho đến ngày 1-7, thời điểm du khách nước ngoài đã được tiêm phòng không phải cách ly khi đến Phuket. Theo Reuters, Phuket có sân bay quốc tế riêng nên khách du lịch có thể tự do dạo chơi trên đảo mà không lo lây nhiễm cho phần còn lại của Thái Lan.

Trong khi các nhân viên y tế, thành viên nội các và người cao tuổi được ưu tiên tiêm phòng, quyết định ưu tiên Phuket của chính quyền Thái Lan cho thấy vai trò trọng tâm của ngành du lịch đối với kinh tế nước này. Chi tiêu của du khách nước ngoài chiếm 11%-12% GDP của Thái Lan trước đại dịch Covid-19.

Thái Lan đặt mục tiêu đón ít nhất 100.000 lượt khách đến Phuket trong quý III/2021 và khoảng 6,5 triệu du khách vào cuối năm nay nếu tình hình tiêm phòng trên toàn cầu tiến triển. Tổng cục Du lịch Thái Lan dự báo du khách từ châu Âu, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Mỹ sẽ quay lại Thái Lan đầu tiên.

Thái Lan hiện ghi nhận hơn 29.100 ca nhiễm và 95 trường hợp tử vong vì dịch Covid-19. Trước đó, các chương trình thu hút du khách có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 phần lớn đã thất bại, bao gồm sáng kiến cách ly trong các khu nghỉ dưỡng sân golf.

Người dân được tiêm vắc-xin trên đảo Phuket – Thái Lan hôm 1-4 Ảnh: REUTERS

Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul hôm 5-4 nói với đài CNBC rằng vắc-xin Covid-19 của hãng AstraZeneca và Trường ĐH Oxford (Anh) sẽ là “vắc-xin chính” của Thái Lan. Ông Anutin cho biết hơn 150.000 người đã được tiêm vắc-xin AstraZeneca và tỉ lệ gặp tác dụng phụ “được xem là rất thấp”.

Cũng nhằm khôi phục hoạt động đi lại xuyên biên giới, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun cho biết Hàn Quốc sẽ cấp hộ chiếu vắc-xin cho các công dân đã tiêm phòng. Theo ông Chung, ứng dụng di động theo dõi việc tiêm chủng của du khách quốc tế sẽ chính thức ra mắt trong tháng này, đồng thời được tích hợp công nghệ blockchain (một chuỗi các khối thông tin) để ngăn hộ chiếu vắc-xin giả. Từ đầu tháng 4, Hàn Quốc đã mở rộng tiêm vắc-xin Covid-19 trong bối cảnh nước này ghi nhận hơn 105.752 ca nhiễm và ít nhất 1.748 trường hợp tử vong.

Trong khi đó, ông Seth Berkley, Tổng Giám đốc điều hành của Liên minh Toàn cầu về vắc-xin và tiêm chủng (GAVI), một đối tác trong cơ chế tiếp cận vắc-xin toàn cầu (COVAX), kỳ vọng số quốc gia được triển khai vắc-xin dự kiến sẽ tăng từ 84 hiện nay lên hơn 100 trong vài tuần tới nhưng sự thiếu hụt nguồn cung lại là yếu tố hạn chế.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các quốc gia như Mỹ, Anh, Israel và các nước phát triển đã đi trước trong chương trình tiêm chủng trong khi hơn 30 quốc gia vẫn chưa bắt đầu, phần lớn ở châu Phi. Ông Berkley cho biết COVAX đã đặt hàng hơn 2 tỉ liều vắc-xin nhưng hầu hết chỉ được giao hàng vào nửa cuối năm nay. Ông Berkley cho rằng nguyên nhân sự chậm trễ là do “chủ nghĩa dân tộc vắc-xin”.

Đồng quan điểm, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm 5-4 cho hay các nước phát triển đã mua khoảng 60% vắc-xin được sản xuất trên toàn thế giới, gây ra sự thiếu hụt đối với các nước đang phát triển. Theo ông Vương, một số quốc gia phát triển thậm chí đặt hàng với số lượng vượt quá dân số của họ gấp 3-4 lần.

Đáng chú ý, Ấn Độ là nhà cung cấp vắc-xin lớn nhất cho các nước đang phát triển nhưng đã cắt giảm lượng xuất khẩu nhằm đẩy nhanh tiêm phòng trong nước trước làn sóng bùng phát dịch mới. Hôm 5-4, Ấn Độ ghi nhận hơn 100.000 ca nhiễm mới trong một ngày, nâng tổng ca nhiễm lên hơn 12,5 triệu, đứng sau Mỹ và Brazil trên toàn cầu. Bang Maharashtra, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đã áp đặt lệnh giới nghiêm và phong tỏa mới.

Tình hình không khá hơn tại Philippines, chính phủ nước này đã gia hạn phong tỏa thêm một tuần khi số ca nhiễm mới tăng đột biến khiến nhiều bệnh viện tê liệt. Hiện có hơn 803.000 trường hợp nhiễm và 13.425 ca tử vong, Philippines là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng thứ hai ở Đông Nam Á, sau Indonesia. 


XUÂN MAI

Chia sẻ