Mong muốn của Tổng thống Joe Biden về việc tái thiết lập vai trò lãnh đạo của Mỹ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu sẽ gặp một thách thức không nhỏ tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu vào tuần này. Ông chủ Nhà Trắng đã mời 40 nhà lãnh đạo thế giới tham dự sự kiện nêu trên, diễn ra dưới hình thức trực tuyến trong 2 ngày 22 và 23-4, với hy vọng tái xây dựng sự tín nhiệm dành cho Mỹ và khởi động nỗ lực chung nhằm ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.

Theo báo The Guardian (Anh), kết quả của nỗ lực này phụ thuộc phần lớn vào sự hợp tác giữa Trung Quốc, quốc gia phát thải khí nhà kính nhiều nhất thế giới và Mỹ, về mặt lịch sử là quốc gia gây ô nhiễm nặng nề nhất.

Tuần rồi, đặc phái viên khí hậu Mỹ John Kerry đã đạt được thỏa thuận với người đồng cấp Trung Quốc Giải Chấn Hoa ở TP Thượng Hải để giải quyết khẩn cấp điều ông mô tả là những hậu quả “trên cả thảm khốc” của hiện tượng nóng lên toàn cầu. Thỏa thuận này được xem là một tín hiệu tích cực nhưng ra đời trong bối cảnh quan hệ Bắc Kinh – Washington leo thang căng thẳng vì hàng loạt vấn đề, trong đó có nhân quyền và thương mại.

Một nhà máy nhiệt điện than ở bang West Virginia – Mỹ Ảnh: Bloomberg

Tổng thống Joe Biden đã đưa Mỹ quay lại Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu song không được đánh giá cao. Theo chuyên gia Josh Busdy của Trường ĐH Texas-Austin (Mỹ), Washington đang gặp vấn đề về “khoảng cách tín nhiệm” sau nhiều năm bất ổn chính sách và để tái xây dựng niềm tin, chính quyền Tổng thống Joe Biden cần duy trì sự nhất quán trong chương trình nghị sự về biến đổi khí hậu.

Trọng tâm hội nghị thượng đỉnh nêu trên sẽ là mục mới của Mỹ trong cắt giảm khí thải, được mong đợi giảm ít nhất 50% đến năm 2030, so với các mức của năm 2005. Mọi con số dưới mức 50% đều sẽ bị các đồng minh của Mỹ ở châu Âu xem là “không thể chấp nhận” – bà Samantha Gross, Giám đốc an ninh năng lượng của Viện Nghiên cứu Brookings (Mỹ), nhận định.

Trong khi đó, hãng thông tấn Tân Hoa Xã xác nhận Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tham dự và phát biểu tại hội nghị nêu trên vào ngày 22-4. Giảm phát thải khí nhà kính là một trong những vấn đề hiếm hoi mà Washington và Bắc Kinh tìm được tiếng nói chung. Chủ tịch Tập Cận Bình hồi tháng 12-2020 từng tuyên bố lượng khí phát thải của Trung Quốc sẽ giảm 65% đến năm 2030, so với các mức của năm 2005.

Trước thềm thượng đỉnh, khối Liên minh châu Âu (EU) thông báo đã đạt được một thỏa thuận tạm thời nhưng quan trọng, với mục tiêu biến họ trở thành khối trung hòa khí thải carbon đến năm 2050. “Cam kết chính trị của chúng tôi về việc trở thành châu lục trung hòa khí thải carbon đến năm 2050 hiện cũng là một cam kết pháp lý. Luật khí hậu này đặt EU vào một lộ trình xanh” – Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen khẳng định hôm 21-4.

Theo AP, trong khuôn khổ của thỏa thuận nêu trên, EU cũng đã cam kết giảm phát thải khí nhà kính ít nhất 55% đến năm 2030, so với các mức của năm 1990. Thỏa thuận này vẫn cần có sự phê duyệt chính thức của các nước thành viên EU cũng như Nghị viện châu Âu, song giới chuyên gia nhận định mọi chuyện chỉ là vấn đề thời gian.

Washington và Brussels đều đang nhắm mục tiêu “trung hòa carbon” đến năm 2050 để bảo đảm nhiệt độ trung bình toàn cầu không tăng quá 2 độ C đến năm 2100. Mục tiêu tham vọng hơn của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu nhằm giới hạn mức tăng trung bình của nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C đến cuối thế kỷ này, so với thời kỳ tiền công nghiệp, nhiều khả năng đòi hỏi những cam kết cắt giảm khí phát thải sâu rộng hơn trên toàn thế giới. 

Thông tin từ Bộ Ngoại giao cho biết nhận lời mời của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự và phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu, diễn ra dưới hình thức trực tuyến trong 2 ngày 22 và 23-4.


Cao Lực

Chia sẻ