“Tê giác mẹ có tên Rosa sinh ra tê giác con hôm 28-3, cũng là giống cái” – đại diện Bộ Môi trường Indonesia cho biết và khẳng định – “Đây là một trong những chiến thắng của chính phủ Indonesia sau nhiều nỗ lực nhằm cứu loài động vật cực kỳ nguy cấp này thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng”.

Cá thể mới nhất giúp nâng tổng số tê giác Sumatra trong khu bảo tồn Công viên Quốc gia Way Kambas lên 8 con. Khu bảo tồn này cũng là nơi duy nhất tại Indonesia được cấp phép cho tê giác Sumatra sinh sản với sự hỗ trợ của công nghệ và các chuyên gia.

Thực tế, quá trình mang thai và sinh con của tê giác mẹ Rosa không hề dễ dàng khi trước đó từng 8 lần mang thai nhưng đều không “kết trái”.

Tê giác Sumatra con hiện vẫn chưa được đặt tên, sinh ra trong điều kiện nuôi nhốt tại Vườn quốc gia Way Kambas, Indonesia vào ngày 28-3. Ảnh: CNN.

Tê giác Sumatra, loài tê giác nhỏ nhất thế giới, từng phát triển mạnh mẽ trên khắp Đông Nam Á nhưng hiện chỉ còn số ít trên đảo Sumatra, phía Bắc Indonesia và trên đảo Borneo.

“Tổng số tê giác Sumatra trên toàn thế giới hiện chỉ còn dưới 80 con” – theo Theo Tổ chức Tê giác Quốc tế (IRF).

Tê giác Sumatra cực kỳ quý hiếm chào đời ở khu bảo tồn

Vào năm 2019, con tê giác Sumatra cuối cùng ở Malaysia có tên Iman đã chết tại Khu bảo tồn tê giác Borneo. Trước đó, vào năm 2015 giới chức Malaysia đã tuyên bối tê giác Sumatra tuyệt chủng ở nước này.

Có nhiều nguyên nhân khiến số lượng tê giác Sumatra suy giảm và đã được liệt vào danh sách cực kỳ nguy cấp như hiện nay. Ban đầu là do nạn săn trộm để lấy sừng, thứ được coi như “thần dược” ở trong y học cổ truyền châu Á. Sau đó, tình hình càng trở nên trầm trọng hơn dưới tác động của con người làm cho môi trường sống của tê giác Sumatra bị thu hẹp và chia cắt khiến chúng không thể sinh sản trong tự nhiên.

Trong bối cảnh đó, các chuyên gia tê giác quốc tế và chính phủ Indonesia đã quyết định chuyển sang phương án nuôi nhốt và cho sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt để cứu tê giác Sumatra khỏi tuyệt chủng.

Nếu không có sự can thiệp chắc chắn rằng tê giác Sumatra sẽ tuyệt chủng trong vài thập kỷ nữa, IRF nhận định.

Cũng nhờ sinh sản nuôi nhốt mà đã có 5 con tê giác Java (cực kỳ nguy cấp) chào đời tại Vườn quốc gia Ujung Kulon (Indonesia) trong năm 2021.

Hiện trên thế giới chỉ còn lại 5 loài tê giác và tất cả đều đang bị đe dọa tuyệt chủng. Một số loài tê giác đã biến mất như tê giác đen phương Tây (có nguồn gốc từ Tây Phi) đã bị tuyên bố tuyệt chủng vào năm 2013 do nạn săn trộm. Con tê trắng phương Bắc đực cuối cùng cũng đã chết vào năm 2020, theo CNN.


Bằng Hưng