Bộ Quốc phòng Nga công bố đoạn clip cho thấy tàu trinh sát Ivan Khurs thuộc Hạm đội Biển Đen đã phá hủy các xuồng máy tốc độ cao đang tìm cách tiếp cận và tấn công con tàu. Thủy thủ đoàn tàu Ivan Khurs bắn trúng xuồng của Ukraine ở khoảng cách khá gần và khiến nó nổ tung. Vào thời điểm đó, tàu Ivan Khurs đang ở cách eo biển Bosporus khoảng 140 km về hướng Đông Bắc.

Trong một tuyên bố được đăng trên Telegram, Bộ Quốc phòng Nga cho biết tàu Ivan Khurs đã bảo vệ các đường ống dẫn khí đốt TurkStream và Blue Stream (dẫn khí đốt từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ, một phần qua biển Đen) và “tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ của mình”.

Nga cáo buộc Ukraine tấn công tàu bảo vệ đường ống khí đốt Biển Đen. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov, “quân đội Ukraine đã thất bại trong nỗ lực sử dụng ba xuồng tự sát không người lái để tấn công tàu Ivan Khurs thuộc Hạm đội Biển Đen, khi đó đang làm nhiệm vụ tuần tra bảo đảm an toàn cho đường ống khí đốt TurkStream và Blue Stream trong vùng đặc quyền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ”.

Ông Konashenkov nhấn mạnh: “Sau các vụ tấn công khủng bố nhằm vào đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2 vào tháng 9-2022, quân đội Nga đã áp dụng nhiều biện pháp để bảo vệ những hạ tầng tương tự. Điều này đã có tác dụng”.

Tờ Daily Sabah (Thổ Nhĩ Kỳ) đưa tin Kiev chưa bình luận về thông tin nêu trên.

Tuyên bố từ phía Nga dường như làm gia tăng căng thẳng ở biển Đen khi Nga chỉ mới đồng ý gia hạn thỏa thuận ngũ cốc ở biển Đen thêm hai tháng vào tuần trước.

Video được quân đội Nga công bố cho thấy tàu Ivan Khurs bắn trúng xuồng máy Ukraine ở khoảng cách khá gần và khiến nó nổ tung. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

  • Tuyên bố đáng chú ý của Ukraine nếu được Mỹ cung cấp vũ khí này

Theo Daily Sabah, đường ống dẫn khí đốt TurkStream (Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ) được đặt dưới biển Đen, dẫn khí đốt từ Nga qua Thổ Nhĩ Kỳ. Công suất thiết kế của đường ống dẫn này đạt khoảng 31,5 tỉ m3 khí đốt tự nhiên mỗi năm. Khí đốt được cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ và từ đó đến các nước châu Âu. Đường ống đã chính thức được đưa vào vận hành vào tháng 1-2020.

Trong khi đó, tuyến Blue Stream di chuyển theo hướng Bắc Nam, nối đến TP Samsun, đổ bộ vào đất liền cách Bosporus hơn 700 km về phía Đông.

Ngày 24-5, chính quyền Mỹ đã phê duyệt thương vụ bán hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến quốc gia (NASAMS) trị giá 285 triệu USD cho Ukraine. Hợp đồng mua bán sẽ bao gồm một hệ thống NASAMS có radar AN/MPQ-64F1 Sentinel, trung tâm điều khiển hỏa lực (FDC), ống phóng, hệ thống thông tin liên lạc an toàn, máy thu định vị toàn cầu (GPS), các thiết bị kèm theo và gói hỗ trợ kỹ thuật của nhà thầu và chính phủ Mỹ.

Theo thông báo của Cơ quan Hợp tác an ninh quốc phòng Mỹ (DSCA), thương vụ này sẽ hỗ trợ các mục tiêu chính sách đối ngoại của Mỹ bằng cách “cải thiện an ninh của một quốc gia đối tác vốn là lực lượng cho sự ổn định chính trị và tiến bộ kinh tế ở châu Âu”. Dự kiến Raytheon Technologies sẽ trở thành nhà thầu chính của thương vụ này.

Trước đó, Quốc hội Mỹ đã nhận được thông báo về thương vụ vào đầu ngày 24-5 và bắt đầu đưa vào giai đoạn xem xét. Tuy nhiên, thương vụ này sẽ không vấp phải nhiều phản đối từ các nhà lập pháp trong bối cảnh chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đang diễn ra.


Huệ Bình