Dữ liệu của Marine Traffic, trang web chuyên theo dõi tàu thuyền, cho thấy tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 ở vị trí cách bờ biển Malaysia khoảng 324 km hôm 16-4. Một ngày sau đó, tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 tiếp cận tàu West Capella.

Mỹ trước đó đã cáo buộc Trung Quốc lợi dụng việc cộng đồng quốc tế đối phó đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (Covid-19) để tăng cường sự hiện diện ở biển Đông.

Đáp lại, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 đang tiến hành các hoạt động bình thường và cáo buộc các quan chức Mỹ bôi nhọ Bắc Kinh.

Tàu khai thác dầu West Capella của công ty dầu khí Petronas (Malaysia) hoạt động ở biển Đông. Ảnh: MARINETRAFFIC.COM

Một nguồn tin an ninh Malaysia cho biết tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 có lúc được 10 tàu Trung Quốc hộ tống, gồm các tàu hải cảnh và tàu của lực lượng dân quân.

Ông Zubil Mat Som, người đứng đầu cơ quan thực thi hàng hải Malaysia, xác nhận với báo Harian Metro (Malaysia) rằng tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 đang có mặt ở vùng biển ngoài khơi nước này. “Chúng tôi không rõ mục đích của con tàu nhưng nó chưa thực hiện bất cứ hoạt động nào trái pháp luật” – ông Zubil Mat Som nói.

Văn phòng thủ tướng, Bộ Quốc phòng Malaysia, phía Petronas cũng như Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa bình luận về thông tin trên.

Ông Greg Poling, giám đốc Sáng kiến ​​minh bạch hàng hải châu Á (AMTI), nhận định Trung Quốc đang sử dụng các chiến thuật đe dọa như ở vùng biển Việt Nam. “Bắc Kinh không muốn gây chiến ở đây nhưng họ muốn đe dọa. Trung Quốc không hề giảm bớt các hoạt động bất chấp đại dịch Covid-19” – ông Poling nói.

Trước đó, hãng tin Reuters hôm 14-4 cho biết tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 đi vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Đề cập đến thông tin này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết các cơ quan chức năng của Việt Nam theo dõi sát các diễn biến ở biển Đông.

“Việt Nam đề nghị các nước tuân thủ các quy định liên quan của Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, luật pháp quốc tế trong các hoạt động của mình và đóng góp vào hoà bình, ổn định, hợp tác ở biển Đông” – người phát ngôn nêu rõ.


Xuân Mai (Theo Reuters)