Bất chấp nỗ lực đa dạng hóa hoạt động kinh doanh, nguồn thu chủ yếu của Evergrande đến từ bất động sản.

Tính đến ngày 30-6, tổng sản phẩm bất động sản sẵn sàng được đưa ra thị trường của tập đoàn này có giá trị 144 tỉ nhân dân tệ (22,3 tỉ USD), theo tờ South China Morning Post. Thế nhưng, khoản nợ mà Evergrande phải trả vào cuối tháng 6-2022 lại lên đến 240 tỉ nhân dân tệ.

Điều này đồng nghĩa để có đủ tiền trả nợ, Evergrande có thể phải bán nhiều tài sản, như công ty xe điện, cổ phần trong CLB Bóng đá Guangzhou Evergrande (giàu nhất Trung Quốc), siêu du thuyền 60 triệu USD của nhà sáng lập Hứa Gia Ấn…

Trước mắt, Evergrande hôm 29-9 cho biết sẽ bán 1,5 tỉ USD cổ phần đang sở hữu tại Ngân hàng Shengjing cho một công ty quản lý tài sản của nhà nước.

Cảnh sát và bảo vệ tập trung bên ngoài trụ sở Tập đoàn Evergrande ở TP Thâm Quyến hôm 30-9. Ảnh: REUTERS

Theo Reuters, Evergrande đã không trả được khoản lãi trái phiếu 47,5 triệu USD cho nhà đầu tư nước ngoài vào ngày 29-9 như hạn định. Trước đó, hôm 23-9, tập đoàn này cũng không trả được khoản lãi trái phiếu 83,5 triệu USD tương tự. Dù vậy, một số nhà đầu tư trong nước đã nhận được tiền từ Evergrande hôm 30-9.

Reuters đưa tin Evergrande đang ưu tiên trả nợ trong nước để tránh gây bất ổn xã hội. Một đám đông đã xông vào trụ sở Evergrande ở TP Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông hôm 11-9 để đòi trả lại tiền đầu tư. Nhiều chuyên gia gần đây nhận định Evergrande đang hướng đến tái cơ cấu với khả năng Bắc Kinh ra tay can thiệp. 


Hoàng Phương

Chia sẻ