Trong một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature, tác giả Antara Banerjee đến từ Trường ĐH Colorado Boulder và Cơ quan Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA), cho biết Nghị định thư Montreal ra đời nhằm bảo vệ tầng ozone đã phát huy hiệu quả rõ rệt.

Cụ thể, nó không chỉ thúc đẩy quá trình chữa lành tầng ozone mà còn dẫn tới những thay đổi trong mô hình lưu thông không khí ở Nam bán cầu gần đây.

Theo nghiên cứu nói trên, các nhà khoa học thực hiện những mô phỏng trên máy tính để xác định một số mô hình thay đổi gió là do tự nhiên hay do các yếu tố con người gây nên, chẳng hạn như phát thải hóa chất làm suy giảm tầng ozone và thải CO2 vào bầu khí quyển.

Sự phục hồi tầng ozone thực tế đang thúc đẩy những thay đổi về sự lưu thông bầu khí quyển. Ảnh: AP

“Nghiên cứu đã chứng minh giả thuyết của chúng tôi rằng sự phục hồi tầng ozone thực tế đang thúc đẩy những thay đổi về sự lưu thông bầu khí quyển. Đó không phải là điều trùng hợp ngẫu nhiên. Trong khi lượng khí thải CO2 tăng lên khiến sự lưu thông gần bề mặt mở rộng, chỉ những thay đổi của tầng ozone mới có thể giải thích được việc tạm dừng sự lưu thông này” – tác giả Banerjee nhận xét.

Nhà khoa học John Fyfe, làm việc cho Tổ chức Môi trường và Biến đổi khí hậu Canada, đồng tác giả bản nghiên cứu, nói thêm việc xác định sự lưu thông không khí bị tạm dừng khi quan sát trong thế giới thực đã được dự đoán dựa trên lý thuyết từ lâu.

Trước đó, các nhà khoa học lo ngại quá trình này có thể biến mất do lượng khí thải CO2 tiếp tục vượt khỏi tầm kiểm soát và biến đổi khí hậu trở thành vấn đề nghiêm trọng. Tuy nhiên, thông tin tầng ozone bảo vệ trái đất được chữa lành trở thành điểm sáng giữa thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát trên toàn cầu.


Phạm Nghĩa (Theo Metro)