Ngày 9-9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tham dự lễ trao tặng vắc-xin, vật tư, thiết bị y tế phòng chống dịch Covid-19 và lễ ký các văn kiện hợp tác do Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Bỉ phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.

Ký kết nhiều thỏa thuận thương mại

Theo đó, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Vương quốc Bỉ, lãnh đạo Bộ Ngoại giao Bỉ, đại diện Bộ Ngoại giao Bỉ đã trao 100.000 liều vắc-xin AstraZeneca cho Việt Nam để hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19.

Cùng chung tay hỗ trợ Việt Nam vượt qua đại dịch, một số tổ chức, doanh nghiệp, trí thức và kiều bào Việt Nam ở châu Âu nhân dịp đoàn sang đã quyên tặng nhiều thiết bị, vật tư y tế như: Phòng Thương mại châu Âu tặng thiết bị y tế trị giá 962.000 euro (tương đương 27 tỉ đồng); Tập đoàn Vingroup tặng 645 máy thở và 500 máy Monitor trị giá 17,6 triệu euro (480 tỉ đồng); Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt – Đức VGI e.V., Diễn đàn Đổi mới sáng tạo và Kinh tế Đức – Việt DVIW e.V., Công ty TP Medicare GmbH, Công ty Hợp Nhất tặng 100.000 khẩu trang và 7.000 kit xét nghiệm nhanh Covid-19 trị giá 53.000 euro (1,5 tỉ đồng)…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam – Bỉ. Ảnh: DOÃN TẤN

Nhân chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội đến Bỉ và Liên minh châu Âu (EU), nhiều thỏa thuận thương mại đã được đàm phán thành công và ký kết dưới sự chứng kiến của Chủ tịch Quốc hội, đoàn đại biểu Việt Nam và đại diện giới chức của Bỉ và EU.

Cụ thể, Tập đoàn Vingroup và Drager Medical của Đức ký Bản ghi nhớ về việc mua 500 máy thở với tổng giá trị hợp đồng là 12,5 triệu euro (337 tỉ đồng); Vingroup và Lowenstein Medical ký Bản ghi nhớ về việc mua 145 máy thở với tổng giá trị hợp đồng ước tính 2,7 triệu euro (72,4 tỉ đồng); Vingroup và Koninkluke Philips ký Bản ghi nhớ về việc mua 500 máy theo dõi bệnh nhân trị giá 2,37 triệu euro (65 tỉ đồng).

Tập đoàn T&T của Việt Nam và Tập đoàn Orsted (Đan Mạch) ký Bản ghi nhớ về hợp tác nghiên cứu các dự án điện gió ngoài khơi Nam Trung Bộ.

Các hợp đồng do Tập đoàn DEME (Bỉ) ký kết trị giá 3 tỉ euro (tương đương 84.000 tỉ đồng) bao gồm: Công ty Zarubezhneft và DEME ký Bản ghi nhớ về hợp tác nghiên cứu các dự án điện gió ngoài khơi tại Vĩnh Phong, tỉnh Bình Thuận có công suất 1.000 MW, công suất phát dự kiến tối thiểu 3,151 GWh/năm; Công ty DEEP C và DEME ký Bản ghi nhớ về hợp tác nghiên cứu các dự án năng lượng mặt trời trên bãi rác Đình Vũ, hợp tác nghiên cứu các dự án điện gió ngoài khơi, cấp điện trực tiếp cho các khu công nghiệp DEEP C2 và DEEP C3, khu vực cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện và hòa lưới điện quốc gia…

Như vậy, tại Vương quốc Bỉ, tổng trị giá tài trợ vật tư, thiết bị y tế phòng dịch của các tổ chức, doanh nghiệp, trí thức và kiều bào dành tặng Việt Nam là 536,5 tỉ đồng, chưa tính 100.000 liều vắc-xin do chính phủ Bỉ tài trợ. Đặc biệt, tổng trị giá các biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư (MOU) của các doanh nghiệp, tổ chức của hai bên là hơn 84.478 tỉ đồng.

Tiến tới phê chuẩn EVIPA

Cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dự tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam – Bỉ do Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cơ quan Xúc tiến thương mại đầu tư 3 vùng Flanders Brussels Capital và Wallonia của Bỉ tổ chức.

Phát biểu với lãnh đạo của khoảng 30 doanh nghiệp lớn của Bỉ và 12 doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp Bỉ ủng hộ mạnh mẽ để Nghị viện Bỉ sớm hoàn tất các thủ tục tiến tới phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVIPA) trong thời gian sớm nhất.

Để tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Vương quốc Bỉ, Chủ tịch Quốc hội đã gợi mở một số định hướng trong thời gian tới như xem xét mở đường bay thẳng kết nối giữa Bỉ và Việt Nam.

Bỉ là trung tâm vắc-xin lớn của châu Âu, Chủ tịch Quốc hội đề nghị chính phủ và các doanh nghiệp Bỉ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam vắc-xin ngừa Covid-19 thông qua cơ chế COVAX, viện trợ, hoán đổi, cho vay lại, nhượng lại số đang dôi dư… để giúp Việt Nam đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng.

“Việt Nam cam kết tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất hướng đến các chuẩn mực của OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế). Chúng tôi luôn coi thành công của các bạn là thành công của chính mình” – Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Tại tọa đàm, Chủ tịch Quốc hội và Bộ trưởng các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương đã trao đổi với các doanh nghiệp Bỉ về việc triển khai Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), các cơ hội mà hiệp định này mang lại cũng như những lĩnh vực mà hiện Việt Nam đang có nhu cầu đầu tư. 

ASEAN và EU hiện đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược. Các nhà đầu tư của EU, Bỉ khi đầu tư vào Việt Nam không chỉ tiếp cận thị trường 100 triệu dân mà còn là thị trường gần 650 triệu dân của cả ASEAN và thị trường rộng lớn gần 5 tỉ dân của châu Á. “Việt Nam sẵn sàng là cầu nối để EU kết nối mạnh mẽ với khu vực ASEAN” – Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ.


Thế Dũng

Chia sẻ