Trước đó 1 ngày, đám đông trên đã xông vào trụ sở quốc hội, dinh tổng thống và tòa án tối cao với hy vọng kích động sự can thiệp của quân đội. Lực lượng an ninh đã mất nhiều giờ để giành lại quyền kiểm soát các tòa nhà chính phủ. Ít nhất 400 người đã bị bắt giữ nhưng hàng ngàn người ủng hộ ông Bolsonaro vẫn còn ở khu vực.

Theo hãng tin AP, Bộ trưởng Tư pháp Flávio Dino gọi những gì xảy ra là khủng bố, âm mưu đảo chính và nhà chức trách bắt đầu lần theo dấu vết những người trả tiền cho các chuyến xe chở người biểu tình đến thủ đô.

Trong cuộc họp báo tại TP Sao Paulo, ông Lula cáo buộc người tiền nhiệm Bolsonaro khuyến khích bạo loạn và tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại Brasilia. Nhà lãnh đạo này cam kết sẽ truy tố những người gây ra vụ bạo loạn chưa từng có này và truy tìm những ai ủng hộ họ về tài chính. Cộng đồng quốc tế cũng lên án mạnh mẽ vụ việc. 

Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi đây là “cuộc tấn công nhằm vào nền dân chủ” ở Brazil, đồng thời nhấn mạnh mong tiếp tục làm việc với ông Lula. Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron viết trên mạng xã hội Twitter rằng ý chí của người dân Brazil cùng các thể chế dân chủ phải được tôn trọng.

Tổng thống Argentina Alberto Fernandez cũng chỉ trích “ý định đảo chính” của những người ủng hộ ông Bolsonaro. Các nhà lãnh đạo Chile, Colombia, Venezuela cũng lên án hành động của đám đông cực đoan ở Brazil.

Lực lượng an ninh bắt giữ những người gây bạo loạn ở thủ đô Brasilia – Brazil hôm 8-1 Ảnh: Reuters

Theo Bloomberg, giới phân tích nhận định thị trường và nền kinh tế Brazil có thể chịu tác động tiêu cực từ vụ việc. Trong nỗ lực ngăn chặn các vụ bạo lực mới, chính quyền các địa phương và nhiều công ty lớn khắp Brazil đã triển khai biện pháp nhằm tránh các cuộc bạo lực mới.

Ông Jean Paul Prates, Giám đốc điều hành Công ty Năng lượng đa quốc gia Petroleo Brasileiro SA hôm 8-1 cho biết công ty này đang tăng cường giám sát an ninh tại các nhà máy lọc dầu để bảo đảm rằng người biểu tình không thể tiếp cận.

Ông Robert Muggah, người đồng sáng lập Viện Igarape (Brazil), mô tả các cuộc bạo loạn là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với nền dân chủ Brazil kể từ cuộc đảo chính năm 1964.

Trong khi đó, ông Christian Lynch, nhà khoa học chính trị tại Trường ĐH bang Rio de Janeiro, nhận định vụ việc sẽ gây thiệt hại không thể đảo ngược đối với phong trào của ông Bolsonaro và hành động phản ứng từ tất cả cơ quan chính phủ sẽ rất nhanh chóng và không khoan nhượng.

Trong thông điệp đăng trên Twitter, cựu Tổng thống Bolsonaro bác bỏ cáo buộc ông kích động vụ bạo loạn, đồng thời chỉ trích những kẻ quá khích. Ông này đã đến bang Florida – Mỹ hôm 30-12-2022, tức 2 ngày trước khi nhiệm kỳ của mình kết thúc. Ông Bolsonaro cho đến giờ vẫn chưa thừa nhận thất bại trong cuộc bầu cử diễn ra hồi tháng 10 năm ngoái. 


Xuân Mai