Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp với các nhà lãnh đạo đồng cấp tại hội nghị thượng đỉnh ở Uzbekistan hôm 16-9. Nga và Trung Quốc thời gian qua đã xích lại gần nhau hơn trong các lĩnh vực chính trị, thương mại, quân sự và khẳng định mối quan hệ song phương “không có giới hạn” khiến Mỹ và các nước đồng minh lo ngại.

Phát biểu tại cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Uzbekistan, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 15-9 nói rằng ông hiểu Bắc Kinh có “thắc mắc và lo ngại” về cuộc chiến ở Ukraine. Theo tờ The Straits Times (Singapore), ông Putin cho biết ông đánh giá cao việc Trung Quốc giữ lập trường cân bằng và sẽ giải thích quan điểm của Nga về vấn đề Ukraine.

Phản ứng về động thái của ông Putin, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho rằng “đây là điều bất ngờ”. Mỹ đã theo dõi sát sao mối quan hệ Nga – Trung Quốc khi Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Putin trở nên thân thiết hơn trong bối cảnh phương Tây gia tăng áp lực lên chính quyền Moscow.

Ông Price cho rằng: “Nga và Trung Quốc có chung tầm nhìn về một thế giới hoàn toàn mâu thuẫn với trật tự đã là trụ cột của hệ thống quốc tế trong 8 thập kỷ qua. Mỹ thể hiện rất rõ mối lo ngại của mình về mối quan hệ ngày càng sâu sắc này, mọi quốc gia trên thế giới cũng nên như vậy”.

Trong cuộc gặp trực tiếp thứ hai giữa lãnh đạo Nga – Trung Quốc kể từ đầu tháng 2, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh Trung Quốc sẽ làm việc với Nga để tăng cường sự ủng hộ mạnh mẽ lẫn nhau về các vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi của nhau, đồng thời thúc đẩy thương mại và các lĩnh vực hợp tác khác.

Không đề cập vấn đề Ukraine trong bài phát biểu, Chủ tịch Tập Cận Bình cho hay trước những thay đổi của thế giới, thời đại và lịch sử, Trung Quốc sẵn sàng làm việc với Nga để thể hiện trách nhiệm, đóng vai trò hàng đầu trong việc thiết lập ổn định trong một thế giới đầy biến động.

 Theo đài CNN, trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã tăng cường hỗ trợ kinh tế Nga, thúc đẩy thương mại song phương lên mức cao kỷ lục. Tuy nhiên, giới chuyên gia hoài nghi khi cuộc xung đột tại Ukraine kéo sang mùa đông, liệu Trung Quốc sẽ tiếp tục ủng hộ Nga trong bao lâu nữa và cái giá phải trả là bao nhiêu.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trò chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước cuộc họp với các nước thành viên SCO tại Uzbekistan hôm 16-9. Ảnh: REUTERS

Hội nghị thượng đỉnh SCO – nhóm an ninh do Nga và Trung Quốc dẫn đầu gồm Ấn Độ, Pakistan, Iran và 4 quốc gia Trung Á – có thể tạo cơ hội cho Bắc Kinh và Moscow ủng hộ thiết lập “trật tự thế giới đa cực” nhưng cuộc khủng hoảng tại Ukraine lại là vấn đề gây chia rẽ trong khối.

Theo các chuyên gia, việc Trung Quốc từ chối lên án Nga liên quan đến vấn đề Ukraine cũng đã gây bất bình cho các nước Trung Á. Điều này có nguy cơ cản trở nỗ lực của Trung Quốc trong việc thắt chặt quan hệ với các nước Trung Á, một nỗ lực mà nền kinh tế thứ hai thế giới đã đầu tư rất nhiều trong 2 thập kỷ qua.

 Nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Ấn Độ nói với đài CNN rằng Thủ tướng Narendra Modi dự kiến có các cuộc gặp trực tiếp với những người đồng cấp Nga, Uzbekistan và Iran nhưng không lên kế hoạch gặp ông Tập Cận Bình. Hai nhà lãnh đạo đã không gặp nhau kể từ khi xung đột biên giới Trung Quốc – Ấn Độ diễn ra hơn 2 năm trước.

Nhà quan sát chính trị Ali Wyne cho biết Trung Quốc đang thận trọng trong mối quan hệ với Nga, với phương Tây, cũng như cam kết duy trì chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Ông Wyne lập luận vấn đề nan giải trong chính sách của Trung Quốc là rất khó duy trì cả 3 vấn đề nói trên cùng một lúc.

TS Benjamin Ho tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) thuộc Trường ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore) cho rằng điểm quan trọng trong chuyến đi của ông Tập lần này và cuộc gặp với ông Putin là Trung Quốc và Nga có thể được xem như “một trật tự thế giới thay thế”, đối trọng với sự ảnh hưởng lớn của phương Tây, đặc biệt là Mỹ. 


Xuân Mai