Theo AP, 19-8 là ngày quốc khánh của Afghanistan, đánh dấu hiệp ước năm 1919 giúp chấm dứt sự cai trị của Anh tại quốc gia Nam Á này.

Taliban đã tổ chức lễ kỷ niệm quốc khánh và cho biết: “Thật may mắn, ngày hôm nay, chúng ta đang kỷ niệm ngày giành được độc lập từ Anh. Đồng thời, như một kết quả của cuộc kháng chiến, Mỹ đã thất bại và buộc phải rút khỏi lãnh thổ thần thánh của Afghanistan”.

Trước đó, Taliban trấn áp cuộc biểu tình cắm quốc kỳ Afghanistan ở quảng trường TP Jalalabad ngày 18-8 khiến ít nhất 3 người thiệt mạng và hơn 10 người bị thương. Ở tỉnh Khost, Taliban ban hành lệnh giới nghiêm 24 giờ sau khi dập tắt một cuộc biểu tình tương tự, theo thông tin thu được của các nhà báo theo dõi từ nước ngoài.

Taliban tuần tra ở thủ đô Kabul ngày 19-8. Ảnh: AP

Một người Afghanistan chụp ảnh với tay súng Taliban tuần tra ở thủ đô Kabul ngày 19-8. Ảnh: AP

Cảnh sát giao thông Afghanistan dẹp đường cho Taliban tuần tra thủ đô Kabul ngày 19-8. Ảnh: AP

Đặc biệt, Taliban đang gõ cửa từng nhà người dân để kêu gọi họ quay trở lại làm việc. Tuy nhiên, hầu hết quan chức chính phủ vẫn trốn trong nhà hoặc đã bỏ chạy.

Trong khi đó, khoản dự trữ ngoại hối hơn 9 tỉ USD của Afghanistan – đa số bị đóng băng tại Mỹ – hiện chưa rõ số phận ra sao. Giám đốc Ngân hàng Trung ương Afghanistan cảnh báo nguồn cung USD cạn kiệt “gần bằng 0” có thể khiến đồng nội tệ mất giá và nhiều thực phẩm cần thiết bị nâng giá.

Chủ một cửa hàng ở thủ đô Kabul Hafiz Ahmad cho biết một số hàng hoá đã tăng giá. Hai trong số các cửa khẩu biên giới chính của Afghanistan với Pakistan, Torkham gần Jalalabad và Chaman gần Spin Boldak, đang mở cửa cho giao dịch thương mại. Bộ trưởng Nội vụ Pakistan Sheikh Rashid Ahmed xác nhận hàng trăm chiếc xe tải đã đi qua đây.

Giám đốc điều hành Hiệp hội Nhà máy sản xuất thép Afghanistan Abdul Nasir Reshtia nói rằng Taliban đang tính phí hơn 2.400 USD/chiếc xe tải chở kim loại phế liệu từ Pakistan. Cựu Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani trước đây cấm giao dịch kim loại phế liệu để thúc đẩy ngành sản xuất thép của đất nước.

Taliban cho đến nay không cung cấp chi tiết về cách sẽ lãnh đạo Afghanistan ngoài việc tiết lộ áp dụng luật Hồi giáo Sharia “ít cứng rắn hơn”. Họ đang đàm phán với các quan chức cấp cao của chính phủ Afghanistan cũ nhưng được đánh giá phải đối mặt với tình huống ngày càng bấp bênh.

Taliban cho đến nay không cung cấp chi tiết về cách sẽ lãnh đạo Afghanistan. Ảnh: AP


Phạm Nghĩa

Chia sẻ