Các vụ hành quyết hà khắc có thể không diễn ra công khai nhưng ông Turabi cảnh báo thế giới không nên can thiệp chuyện nội bộ trong chính quyền mới của Afghanistan.

Ông Turabi, từng là bộ trưởng tư pháp của chế độ Taliban giai đoạn 1996-2001, nói với hãng tin AP: “Mọi người chỉ trích chúng tôi về các hình phạt tại sân vận động nhưng chúng tôi chưa bao giờ nói bất cứ điều gì về luật pháp và các hình phạt của họ. Chúng tôi theo Hồi giáo và chúng tôi sẽ đưa ra luật của mình dựa trên kinh Quran”.

Ông Mullah Nooruddin Turabi, một trong những người sáng lập phong trào Taliban. Ảnh: AP

Trong khoảng thời gian Taliban cai trị từ năm 1996-2001, các vụ hành quyết và cắt cụt chi được tổ chức tại sân vận động thể thao của Kabul và đôi khi là trước đám đông, dẫn đến sự lên án của thế giới. Theo Daily Mail, những người bị kết tội giết người sẽ bị gia đình nạn nhân bắn vào đầu trong khi kẻ trộm bị cắt cụt tay và kẻ cướp trên đường cao tốc sẽ bị cắt cụt một tay và một chân.

Ông Turabi lập luận rằng việc cắt cụt chi được Taliban xem là một biện pháp răn đe.

Khi đó, các vụ xét xử và kết án hiếm khi được công khai và cơ quan tư pháp thường là các giáo sĩ Hồi giáo. Nhưng giờ đây, ông Turabi cho rằng các thẩm phán – bao gồm phụ nữ – sẽ xét xử và các hình phạt cũ sẽ được khôi phục. Ông Turabi nói: “Hình phạt chặt tay rất cần thiết để đảm bảo an ninh”.

Những tuyên bố của ông Turabi cho thấy các lãnh đạo Taliban vẫn cứng rắn và bảo thủ ngay cả khi họ đón nhận những thay đổi về công nghệ như sử dụng điện thoại di động. Ông Turabi bác những lời chỉ trích về sự cai trị trước đây của Taliban khi cho rằng điều đó đã thành công trong việc mang lại ổn định.

Trong khi đó, dù tỏ ra sợ hãi trước sự lãnh đạo của chính quyền Taliban nhưng một số người dân cũng thừa nhận rằng thủ đô Kabul đã trở nên an toàn hơn.

Ông Amaan, chủ một cửa hàng ở trung tâm Kabul, cho biết: “Việc người khác bị bêu xấu nơi công cộng không phải chuyện tốt nhưng điều đó giúp ngăn bọn tội phạm, vì không ai muốn mình sẽ bị trừng phạt như vậy”.

Một người bán hàng khác cho rằng đó là vi phạm nhân quyền nhưng tỏ ra hài lòng vì có thể mở cửa hàng đến chiều tối.

Sau khi giành quyền kiểm soát từ tháng 8, Taliban ban đầu thể hiện sự ôn hòa và thay đổi so với cách hành xử trong quá khứ. Nhóm này cam kết sẽ không trả thù những người đã hỗ trợ Mỹ và thành lập một chính phủ mang tính hòa hợp. Không lâu sau đó, Taliban bắt đầu đàn áp bạo lực các cuộc biểu tình phản đối và Liên Hiệp Quốc cáo buộc phong trào này thất hứa.

Taliban trong tuần này đã yêu cầu được phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, chưa có quốc gia nào chính thức công nhận chính phủ do Taliban lãnh đạo.


Xuân Mai

Chia sẻ