Những bức thư này yêu cầu các nạn nhân đến trình diện tại phiên tòa xét xử của Taliban, nếu không sẽ bị xử tử. 

Một trong những người bị gửi cảnh cáo là anh Naz, 34 tuổi, một ông bố 6 con có công ty xây dựng giúp quân đội Vương quốc Anh làm đường ở tỉnh Helmand và đường băng ở Camp Bastion. Anh Naz đã đăng ký xin sống ở Anh theo chương trình tái định cư của Afghanistan nhưng bị từ chối.

“Taliban đã chính thức gửi thư và đóng dấu. Đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy họ muốn giết tôi. Nếu đến phiên tòa, tôi sẽ bị xử tội chết. Nếu tôi không đến, họ sẽ giết tôi. Đó là lý do tôi đang ẩn náu và tìm cách bỏ trốn. Nhưng tôi cần giúp đỡ”- trang Daily Mail dẫn lời anh Naz hôm 31-8.

Nạn nhân thứ 2, cựu phiên dịch viên của quân đội Anh, nhận được cảnh báo anh là “gián điệp của kẻ vô đạo” nên phải đầu hàng hoặc chết. Anh trai của một phiên dịch viên khác cũng nhận được tin mình bị kết án tử hình vì che giấu em trai.

Taliban gửi thư đe dọa đến những người bị cáo buộc “làm việc cho phương Tây”. Ảnh: AP

Các bức thư này là một phương pháp đe dọa truyền thống của Taliban. Trước đây, biện pháp này thường phổ biến ở nông thôn nhưng nay đã lan rộng ra ở các thành phố. Những bức thư được gửi đi để gieo rắc nỗi sợ hãi và buộc người nhận phải tuân theo chỉ thị của Taliban với những lời đe dọa bạo lực hoặc tử vong nếu “yêu cầu không được đáp ứng”. 

Ông Shir, 47 tuổi, từng phục vụ trong tiền tuyến ở tỉnh Helmand và đủ điều kiện tái định cư nhưng không thể đến được sân bay. Ông kể: “Con gái tôi thấy bức thư đe dọa được đóng đinh trên cửa. Bức thư yêu cầu tôi đầu hàng để bị tòa Taliban xét xử, nếu không sẽ bị săn lùng và giết chết”. 

Ông Shir đã chuyển nhà ngay lập tức và đang ẩn náu. “Đó là bức thư của sự sợ hãi, một lời cảnh báo, một mối đe dọa tới tôi và gia đình. Tôi phải cúi đầu tuân lệnh Taliban hoặc trốn thật kỹ. Tôi vốn cho rằng mình có thể trốn thoát trên 1 chuyến bay đến Anh và đã được gọi đến sân bay 3 lần nhưng lại không thể len qua đám đông. Giờ tôi bị mắc kẹt và mọi người đã nhìn thấy bức thư trên cửa nhà tôi. Taliban đã đóng dấu gia đình tôi” – ông Shir lo lắng.

Đối với Naz, bức thư rất cụ thể khi ghi cả tên của cha anh, dân làng của họ và có đóng dấu của tòa án Taliban. Bức thư viết anh Naz là “nô lệ” của các lực lượng thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và đã phớt lờ cảnh báo không được làm việc với NATO. Naz bị yêu cầu “trình diện trước tòa”, nếu không sẽ bị “chuyển đến Tòa phúc thẩm Sharia, nơi sẽ thông qua phán quyết tử hình nếu anh vắng mặt”. 

“Thông điệp của bức thư quá rõ ràng: tuân lệnh hoặc chết. Chúng tôi đã dọn đi nhưng không thể đi mãi được. Chúng tôi phải trốn thoát” – anh Naz nói.


Bảo Hạnh

Chia sẻ