AP ngày 5-9 dẫn lời một quan chức sân bay TP Mazar-e-Sharif cho biết các hành khách trên 4 máy bay “là người Afghanistan, nhiều người không có hộ chiếu hoặc thị thực nên không thể rời khỏi đất nước”. Vấn đề đang được xử lý và các hành khách chưa đủ điều kiện lên máy bay phải tạm trú trong khách sạn.

Theo cư dân TP Mazar-e-Sharif, một số hành khách đã rời sân bay. Nhiều hành khách cho biết  từng làm việc cho các công ty có quan hệ với quân đội Mỹ hoặc Đức. Theo AP, 4 máy bay trên “định tới Doha – Qatar” và chưa rõ ai thuê chúng.

Tuy nhiên, thành viên cấp cao của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, nghị sĩ Michael McCaul (bang Texas), lại nói rằng các hành khách “bao gồm người Mỹ và máy bay bị Taliban chặn không cho cất cánh, giống như họ bị bắt làm con tin”.

Sáu chiếc máy bay thương mại đậu gần cổng chính sân bay TP Mazar-e-Sharif ngày 3-9. Ảnh: Reuters

Ông McCaul trả lời đài Fox News ngày 5-9: “Tổng cộng 6 máy bay bị bắt giữ tại sân bay TP Mazar-e-Sharif với công dân Mỹ và thông dịch viên người Afghanistan trên khoang. Taliban sẽ không để họ rời khỏi sân bay. Họ đang tìm cớ để đòi hỏi nhiều hơn, cả về tiền bạc lẫn tính hợp pháp của chính phủ sắp thành lập. Họ sẽ không cho phép công dân Mỹ khởi hành cho đến khi được Mỹ công nhận hoàn toàn”.

Trong khi đó, tổ chức phi lợi nhuận Ascend cho đài CBS News biết 2 máy bay của họ bị Taliban giữ tại sân bay TP Mazar-e-Sharif 6 ngày qua. Các máy bay chuẩn bị sơ tán 600-1.200 người, bao gồm 19 công dân Mỹ và 2 thường trú nhân.

Sân bay TP Mazar-e-Sharif gần đây mới bắt đầu tiếp nhận các chuyến bay quốc tế và hiện chỉ có các chuyến bay tới Thổ Nhĩ Kỳ. Taliban trước đó cam kết những người Afghanistan có hộ chiếu và thị thực sẽ được phép đi lại sau khi các sân bay mở cửa trở lại.

Sau khi Mỹ chính thức rút quân khỏi Afghanistan vào thời hạn chót ngày 31-8, hàng chục ngàn người được không vận từ thủ đô Kabul song cũng có nhiều người khác bị bỏ lại. Washington tuyên bố sẽ tiếp tục làm việc với ban lãnh đạo mới của Taliban để giúp đỡ bất kỳ ai muốn rời Afghanistan. Bên phía Taliban khẳng định sẽ cho phép những người có đủ giấy tờ pháp lý cần thiết ra khỏi đất nước.

Phe kháng chiến ủng hộ đàm phán với Taliban

Ông Ahmad Massoud, lãnh đạo nhóm đối lập Mặt trận Kháng chiến Quốc gia (NRF) chống Taliban ở thung lũng Panjshir (Afghanistan), ngày 5-9 bày tỏ sự ủng hộ một thỏa thuận để chấm dứt giao tranh trong khu vực. Thoả thuận do các học giả tôn giáo đề xuất.

“Để đạt được một nền hòa bình lâu dài, NRF sẵn sàng ngừng giao tranh với điều kiện Taliban cũng ngừng tấn công và hoạt động quân sự vào tỉnh Panjshir và huyện Andarab” – ông Massoud viết trên mạng xã hội Facebook.

Ông Ahmad Massoud. Ảnh: Reuters


Phạm Nghĩa

Chia sẻ