Hãng tin Bloomberg dẫn số liệu của Trường ĐH Johns Hopkins hôm 15-7 cho biết trong vòng một tuần qua, số ca mắc mới ở Đông Nam Á đã tăng 41% so với tuần trước đó lên hơn nửa triệu ca. Số ca tử vong do dịch Covid-19 trong khu vực cũng tăng 39% trong cùng kỳ tính đến hôm 14-7, đây được xem là tốc độ gia tăng nhanh nhất trên thế giới.

Trong khi đó, tỉ lệ tiêm chủng chung của Đông Nam Á là 9%, chậm hơn các khu vực phát triển như Tây Âu và Bắc Mỹ, nơi có hơn một nửa dân số đã được tiêm phòng và chỉ vượt xa châu Phi và Trung Á.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân ở thủ đô Jakarta – Indonesia hôm 15-7. Ảnh: Reuters

Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, đã vượt qua Ấn Độ về số ca mắc mới mỗi ngày trong tuần này, trở thành tâm dịch mới của châu Á trong khi một số nước láng giềng cũng đang chứng kiến ​​số ca mắc cao kỷ lục.

Số ca mắc mới ở Indonesia trong tuần này đã lần đầu tiên vượt ngưỡng 50.000 ca/ngày. Hôm 15-7, Indonesia có thêm gần 56.800 ca nhiễm, nâng tổng số người nhiễm lên hơn 2,7 triệu, trong đó hơn 70.000 người đã tử vong. Số ca mắc mới tăng nhanh khiến hệ thống y tế Indonesia trên bờ vực sụp đổ vì quá tải.

Vợ và con của nạn nhân Covid-19 đau buồn tại nghĩa trang ở ngoại ô Jakarta – Indonesia. Ảnh: Reuters

Theo tờ Bangkok Post, Thái Lan hôm 15-7 ghi nhận thêm 98 người chết vì dịch Covid-19, nâng tổng số ca tử vong lên 2.938. Bộ Y tế Thái Lan cũng ghi nhận thêm 9.186 ca mắc mới trong 24 giờ, nâng tổng số ca nhiễm lên 372.215, trong đó có đến 343.352 ca xuất hiện kể từ ngày 1-4 khi làn sóng dịch Covid-19 thứ 3 bắt đầu bùng phát ở nước này.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm ở thủ đô Bangkok-Thái Lan hôm 15-7. Ảnh: Reuters

Malaysia ghi nhận 13.215 ca mắc Covid-19 mới hôm 15-7, số ca cao kỷ lục trong 3 ngày liên tiếp. Tính đến hôm 15-7, Malaysia có tổng cộng 880.782 trường hợp nhiễm. Trong khi đó, nước này ghi nhận khoảng 6.613 ca tử vong do dịch Covid-19.

Thi thể nạn nhân Covid-19 được đưa đến nghĩa trang ở Shah Alam, Malaysia hôm 14-7. Ảnh: Reuters

Tình hình dịch bệnh phức tạp hơn ở Myanmar khi nước này đang phải vật lộn với tình trạng thiếu hụt oxy do số ca mắc mới tăng đột biến. Do nhiều nhân viên y tế vẫn từ chối quay trở lại công việc của họ để phản đối cuộc đảo chính quân sự hồi tháng 2 năm ngoái, nên số ca nhiễm thực tế được cho là còn cao hơn số liệu chính thức. Myanmar hiện ghi nhận hơn 212.000 ca nhiễm và hơn 4.300 trường hợp tử vong do dịch Covid-19.

Chuyên gia Sian Fenner, nhà kinh tế cấp cao về châu Á tại Công ty Oxford Economics, cho biết: “Do tốc độ tiêm chủng đang chậm lại, ngoại trừ Singapore, chúng tôi cho rằng sự phục hồi sẽ khó khăn và nguy cơ tiếp tục áp đặt các hạn chế gia tăng. Sự bất ổn gia tăng cũng có khả năng dẫn đến tổn hại kinh tế hơn nữa”.


Xuân Mai

Chia sẻ