Chính phủ nước này đã thắt chặt phong tỏa ở thủ đô Bangkok và 12 tỉnh có nguy cơ cao, đồng thời tạm dừng hầu hết chuyến bay nội địa và mở rộng khu vực giới nghiêm. Ngân hàng trung ương Thái Lan dự báo GDP của đất nước hơn 66 triệu dân này sẽ giảm 2% trong năm nay.

Trong khi đó, Malaysia trở thành một trong số những nước Đông Nam có tỉ lệ mắc bệnh trên đầu người cao nhất. Bất chấp đã phong tỏa từ đầu tháng 6, tổng số ca mắc của Malaysia đã vượt con số 1 triệu và hơn 8.200 người tử vong.

Quay cuồng giữa tình trạng thiếu giường bệnh, máy thở và ôxy, hàng ngàn bác sĩ dạng hợp đồng của Malaysia đã đình công hôm 2-7 để yêu cầu có chỗ làm dài hạn, được trả lương thưởng tốt hơn… Dù vậy, họ cam đoan không để cuộc phản đối ảnh hưởng đến bệnh nhân.

Điểm sáng ở Malaysia là tỉ lệ tiêm chủng vắc-xin Covid-19 cao hơn nhiều nước láng giềng, với 16,9% trong tổng số 32 triệu dân đã được tiêm đầy đủ.

Một cụ bà được tiêm vắc-xin Covid-19 tại Trung tâm Tiêm chủng trung ương ở thủ đô Bangkok – Thái Lan hôm 26-7. Ảnh: REUTERS

Có số dân đông nhất khu vực (hơn 270 triệu người), Indonesia cũng là ổ dịch lớn nhất Đông Nam Á. Dù đã có hơn 3,1 triệu trường hợp nhiễm và 83.000 người thiệt mạng, giới chức y tế Indonesia hôm 26-7 cho biết một số hạn chế phòng dịch sẽ được nới lỏng tuần này.

Theo Tổng thống Joko Widodo, các hạn chế chung được gia hạn thêm 1 tuần song các doanh nghiệp, bao gồm garage, chợ truyền thống, nhà hàng có khu vực ngoài trời…, sẽ được mở cửa có điều kiện. Các trung tâm thương mại nằm ngoài “vùng đỏ” nguy cơ cao được phép hoạt động ở mức 25% năng lực kinh doanh.

Ông Dicky Budiman, chuyên gia dịch tễ học của Trường ĐH Griffith (Úc), cho biết tuy dịch bệnh nghiêm trọng nhưng chính phủ Indonesia không có nhiều lựa chọn, bởi hơn 50% người dân nước này làm việc trong khu vực không chính thức và chỉ được hỗ trợ tài chính hạn chế.


Hải Ngọc

Chia sẻ