“Đại dịch bùng phát đến nay đã 18 tháng và người dân đã đuối sức. Ai cũng hỏi: Khi nào đại dịch kết thúc và kết thúc như thế nào?” – ba vị bộ trưởng thuộc lực lượng phòng chống Covid-19 của chính phủ Singapore, bao gồm Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Gan Kim Yong, Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong và Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung, đã nêu ra câu hỏi trên trong bài xã luận chung đăng trên tờ The Straits Times ngày 24-6.

Và câu trả lời: “Tin xấu là Covid-19 có thể không bao giờ biến mất. Tin tốt là vẫn có thể chung sống bình thường với nó”.

Do đó, theo họ, ưu tiên trong vài tháng tới là chuẩn bị cho người dân Singapore chung sống với Covid-19 như một căn bệnh theo mùa và có thể kiểm soát, như cúm thông thường hay bệnh tay, chân, miệng.

Để khởi động lộ trình này, điều Singapore cần là đạt được các cột mốc về tiêm chủng. Theo The Straits Times, tiêm chủng dường như đang kéo giảm tỉ lệ mắc và lây lan Covid-19. Hầu hết những người đã được tiêm đầy đủ chỉ bị bệnh nhẹ hoặc không thể hiện triệu chứng dù bị tái nhiễm.

Tính đến nay, Singapore ghi nhận hơn 62.400 ca mắc và 35 ca tử vong vì Covid-19. Thống kê của Bộ Y tế quốc đảo này cho thấy có 141 bệnh nhân đang điều trị trong bệnh viện, bao gồm 5 người nguy kịch.

Những bộ tự xét nghiệm nhanh Covid-19 được bán trong nhà thuốc ở Singapore Ảnh: REUTERS

Vào đầu tháng sau, Singapore đặt mục tiêu 2/3 dân số được tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin Covid-19 và đến quốc khánh năm nay (ngày 9-8), ít nhất 2/3 dân số phải được tiêm đầy đủ. “Chúng tôi đang đẩy nhanh nguồn cung vắc-xin để tăng tốc tiêm phòng” – ba vị bộ trưởng kiêm đồng chủ tịch lực lượng nêu trên nhấn mạnh.

Hiện nay, khoảng phân nửa trong tổng dân số 5,7 triệu người Singapore đã được tiêm ít nhất 1 liều của Pfizer-BioNTech hoặc Moderna. Dù tốc độ tiêm chủng tương đối cao song đảo quốc này vẫn duy trì các quy định nghiêm ngặt về tập trung đông người, đeo khẩu trang, đi lại… – theo Reuters.

Theo 3 bộ trưởng, đến thời điểm phù hợp, những người mắc Covid-19 sẽ được phép điều trị tại nhà, nhờ đó giảm áp lực lên hệ thống y tế. Những người tiếp xúc gần với người mắc có thể mua bộ xét nghiệm ở nhà thuốc để tự xét nghiệm.

Xét nghiệm không còn là biện pháp để truy vết và cách ly nữa, thay vào đó sẽ được dùng để kiểm tra những ai muốn vào các tòa nhà văn phòng, trung tâm mua sắm, trường học…, qua đó giúp các sự kiện, hoạt động xã hội diễn ra an toàn.

Dần dần, các quy tắc hạn chế được nới lỏng và việc tụ tập đông người như trước đây sẽ trở lại, còn doanh nghiệp không phải lo ngại lệnh phong tỏa nữa. Cuối cùng, với chứng nhận tiêm chủng trong tay, người dân có thể du lịch đến những nước cũng đã khống chế được dịch bệnh mà không cần phải cách ly hay xét nghiệm khi tới nơi.

Quan điểm của 3 vị bộ trưởng trên nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia Singapore. Theo GS Teo Yik Ying, hiệu trưởng Trường Y tế công Saw Swee Hock thuộc Trường ĐH Quốc gia Singapore (NUS), Singapore càng mở cửa, các ổ dịch càng có nguy cơ hình thành. Tuy nhiên, không cần sợ hãi bởi tỉ lệ tiêm chủng cao hơn sẽ giúp các bệnh nhân chỉ bị bệnh nhẹ hoặc không triệu chứng.

Cập nhật hằng ngày về số người mắc sau cùng sẽ chỉ tập trung vào những bệnh nhân rất nặng, phải nằm điều trị tích cực – giống cách đưa tin về bệnh cúm. “Sẽ đến lúc chúng ta không cần đánh số ca bệnh nữa và chỉ chuyển sang theo dõi các ca bệnh cần nhập viện” – GS Teo nói với báo The Straits Times.

Trong khi đó, GS Dale Fisher – công tác tại Trường Y khoa Yong Loo Lin thuộc NUS – cho rằng việc mở cửa có thể khiến số ca bệnh và ổ dịch không giảm xuống nữa nhưng miễn là hệ thống bệnh viện không quá tải và Singapore đủ khả năng chăm sóc tất cả bệnh nhân thì nước này vẫn thích ứng được với mức độ lây nhiễm hiện nay. 

Có cách “trị” biến thể Delta

Vắc-xin của các hãng AstraZeneca và Pfizer (Mỹ) – BioNTech (Đức) vẫn có hiệu quả chống lại hai biến thể SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu tại Ấn Độ là Delta và Kappa. Đây là kết quả nghiên cứu của các chuyên gia thuộc Trường ĐH Oxford (Anh) được công bố trên tạp chí Cell (Mỹ). Theo Reuters, hồi tuần trước, phân tích của Cơ quan Y tế cộng đồng Anh (PHE) cũng cho thấy các loại vắc-xin của Pfizer-BioNTech và AstraZeneca duy trì hiệu quả bảo vệ người được tiêm chủng lên tới hơn 90% trước nguy cơ nhập viện do nhiễm biến thể Delta.

Bên cạnh hiệu quả của các loại vắc-xin, chuyên gia thuộc Trường ĐH Oxford cũng phân tích nguy cơ tái nhiễm. Đáng chú ý, những trường hợp phục hồi sau khi mắc biến thể Alpha (còn gọi là B117, được phát hiện lần đầu tại Anh), có khả năng tránh được nguy cơ tái nhiễm mọi loại biến thể. Nhiều khả năng biến thể Alpha sẽ trở thành ứng viên tiềm năng để nghiên cứu vắc-xin thế hệ tiếp theo giúp ngăn ngừa nhiều biến thể khác.

Giữa lúc cuộc nghiên cứu vắc-xin đang diễn ra, nhiều ca nhiễm mới liên quan đến biến thể Delta được ghi nhận ở các nước trên thế giới. Bộ Y tế Brazil hôm 23-6 ghi nhận 115.228 ca mắc Covid-19 mới trong vòng 24 giờ, mức cao kỷ lục trong ngày ở nước này, nâng tổng số ca nhiễm lên hơn 18 triệu ca. Theo Reuters, Brazil có số ca tử vong do Covid-19 cao thứ hai trên thế giới với hơn 500.000 ca, chỉ sau Mỹ (hơn 618.000 ca). Tuy nhiên, tỉ lệ tiêm chủng ở Brazil hiện ở mức thấp, với chỉ 12% dân số được tiêm phòng đầy đủ.

Tại Úc, bang đông dân nhất New South Wales (NSW) ghi nhận nhiều ca mắc mới trong ngày thứ ba liên tiếp. Thống đốc bang NSW Gladys Berejiklian cho hay đợt bùng phát do biến thể Delta lần này có lẽ là giai đoạn đáng sợ nhất mà NSW trải qua. Trong khi đó, Israel đã hoãn mở cửa biên giới đối với du lịch nước ngoài đến ngày 1-8. Trước làn sóng ca nhiễm biến thể Delta, Israel tái áp đặt quy định đeo khẩu trang và dự kiến đóng cửa tất cả địa điểm công cộng nếu số ca nhiễm mới mỗi ngày vượt mốc 100. Hầu hết các trường hợp mắc mới là trẻ em chưa được tiêm phòng và những trường hợp nhập cảnh.

Xuân Mai


HẢI NGỌC

Chia sẻ