Giới chuyên gia ước tính quy mô của đội tàu “bóng đêm” hiện rơi vào khoảng 600 tàu, tương đương khoảng 10% tổng số tàu chở dầu lớn trên toàn thế giới. Con số này vẫn chưa dừng lại.

Ai sở hữu và vận hành nhóm tàu nêu trên vẫn là một ẩn số. Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, nhiều chủ tàu phương Tây đã từ chối cung cấp dịch vụ liên quan đến dầu Nga.

Những thực thể mới, bí ẩn “nhảy vào” và trong một số trường hợp, chúng liên quan đến các công ty ma ở Dubai hoặc Hồng Kông (Trung Quốc).

Một số công ty mua tàu từ châu Âu, số khác khai thác lại những con tàu cũ kỹ có thể đã bị đưa đến bãi phế liệu. Điều này làm gia tăng rủi ro xảy ra sự cố tràn dầu trên biển.

Theo giới chuyên gia, các tàu cũ kỹ đang âm thầm hỗ trợ xuất khẩu dầu Nga nhiều khả năng không được bảo dưỡng đúng chuẩn. Ảnh: Reuters

Sự hiện diện gia tăng của đội tàu “bóng đêm” cho thấy những thay đổi đáng kể mà xung đột Nga-Ukraine đã gây ra cho thị trường dầu mỏ toàn cầu. Trong nỗ lực duy trì hoạt động, nhà xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai thế giới đã định hình lại mô hình giao dịch hàng chục năm tuổi và chia hệ thống năng lượng của thế giới thành hai phần.

Ông Richard Matthews, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của nhà môi giới tàu biển quốc tế EA Gibson (Anh), giải thích: “Có đội tàu không tham gia vào bất cứ hoạt động kinh doanh nào của Nga. Có đội tàu hầu như chỉ kinh doanh với Nga”.

Khi châu Âu ngừng sử dụng năng lượng của Nga, những người mua ở châu Á bắt đầu “chốt đơn” nhiều hơn.

Trung Quốc tăng cường nhập khẩu dầu Nga, lên mức trung bình 1,9 triệu thùng/ngày vào năm 2022 – tăng 19% so với năm 2021, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế.

Cùng kỳ, mức tăng ở Ấn Độ là 800%, lên ngưỡng trung bình 900.000 thùng/ngày. Dầu Nga xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ, một khách hàng hàng đầu khác, cũng chứng kiến xu hướng tăng.

Phương Tây áp nhiều biện pháp trừng phạt nhằm vào lĩnh vực năng lượng Nga để phản ứng với chiến dịch quân sự của quốc gia này ở Ukraine. Ảnh: Reuters


Cao Lực