RCEP, thoả thuận bao gồm Trung Quốc nhưng không có Mỹ, sẽ có hiệu lực vào ngày 1-1-2022, thiết lập các quy tắc chung về thương mại hàng hóa, dịch vụ, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử và cạnh tranh.

RCEP đã được 15 quốc gia châu Á – Thái Bình Dương ký kết vào năm ngoái. Hiệp định RCEP có sự tham gia của 10 quốc gia thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và 5 đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand.

Các doanh nghiệp có thể tận dụng cơ hội từ RCEP trong năm tới. Ảnh: Reuters

Trong một tuyên bố hôm 2-11, Úc cho biết sự phê chuẩn hiệp định của họ và New Zealand sẽ mở đường cho thỏa thuận này có hiệu lực vào năm sau, một cột mốc quan trọng của RCEP. New Zealand cũng đã xác nhận việc phê chuẩn trong tuyên bố riêng hôm 3-11.

Bộ trưởng Ngoại giao Úc Marise Payne cho rằng thỏa thuận sẽ tăng cường quan hệ thương mại của nước này với ASEAN, báo hiệu cam kết của Úc đối với một cấu trúc kinh tế khu vực do ASEAN dẫn đầu.

Hiệp định RCEP sẽ có hiệu lực trong 60 ngày sau khi có tối thiểu 6 thành viên ASEAN và 3 thành viên ngoài khối phê chuẩn.

Hiệp định dự kiến tạo ra thị trường quy mô 2,2 tỉ dân và 26,2 ngàn tỉ USD, tương đương 30% dân số cũng như GDP toàn cầu. Hiệp định này cũng lớn hơn các khối thương mại khu vực khác như Hiệp định Mỹ – Mexico- Canada (USMCA) hay Liên minh châu Âu (EU).

Theo trang web của Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc, tính đến thời điểm hiện tại, các nước ASEAN đã phê chuẩn thỏa thuận gồm Brunei, Campuchia, Lào, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Ngoài Úc và New Zealand, các quốc gia khác ngoài ASEAN cũng đã phê chuẩn RCEP là Trung Quốc và Nhật Bản. 

Sau khi có hiệu lực, thỏa thuận sẽ loại bỏ thuế quan đối với 90% hàng hóa được trao đổi giữa các bên ký kết trong 20 năm tới.


Xuân Mai

Chia sẻ