Chiều 29-11 (giờ địa phương), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đến thủ đô Moscow, bắt đầu chuyến thăm chính thức Liên bang Nga theo lời mời của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Quan hệ truyền thống quý báu

Là một trong những điểm nhấn quan trọng trong chương trình nghị sự song phương năm 2021, chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc diễn ra trong bối cảnh hai nước Việt Nam – Nga vừa kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (vào năm 2020), 20 năm quan hệ Đối tác chiến lược (vào năm 2021) và đang tích cực chuẩn bị kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.

Quan hệ Việt Nam – Nga ngày nay được kế thừa từ truyền thống hết sức quý báu, có độ tin cậy cao và không ngừng được củng cố. Mặc dù đại dịch Covid-19 phức tạp, hai bên thường xuyên duy trì các cuộc tiếp xúc cấp cao, trao đổi đoàn, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực mới.

Lễ đón Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân cùng đoàn cấp cao Việt Nam tại sân bay Vnukovo 2. Ảnh: TTXVN

Hai bên đồng quan điểm về nhiều vấn đề quốc tế và khu vực, phối hợp chặt chẽ và ủng hộ nhau trên các diễn đàn quốc tế như Liên Hiệp Quốc (LHQ), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị Thượng đỉnh Á – Âu (ASEM)… Nga ủng hộ lập trường của Việt Nam về giải quyết tranh chấp tại biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS), Tuyên bố về ứng xử của các bên tại biển Đông (DOC), sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên tại biển Đông (COC).

Kim ngạch thương mại giữa hai nước trong năm 2020 đạt gần 4,85 tỉ USD. Nga đứng thứ 25 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 144 dự án và tổng số vốn đăng ký khoảng 944 triệu USD. Việt Nam có hơn 20 dự án đầu tư sang Nga với tổng vốn đăng ký gần 3 tỉ USD.

Năng lượng là lĩnh vực hợp tác truyền thống chiến lược và hiệu quả, đem lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách Việt Nam và Nga. Các doanh nghiệp dầu khí hai nước đang xem xét mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực mới như điện khí, điện hóa lỏng, năng lượng tái tạo… Về an ninh – quốc phòng, Nga là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự, tiếp tục cung cấp các vũ khí và khí tài cho Việt Nam.

Đẩy mạnh hợp tác vắc-xin, thương mại

Đại sứ Việt Nam tại Nga Đặng Minh Khôi cho rằng chuyến thăm chính thức Liên bang Nga lần này của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt-Nga trên tất cả lĩnh vực, thúc đẩy quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Đặc biệt, chuyến thăm cũng khẳng định việc tăng cường hợp tác trong phòng chống Covid-19. Việt Nam đã tặng Nga khẩu trang và một số vật tư y tế. Nga đã viện trợ cho Việt Nam khoảng 15.000 liều vắc-xin Sputnik-V và một số thuốc điều trị… Hiện nay, hai nước đang thảo luận phương hướng để Nga sớm cung cấp vắc-xin cho Việt Nam theo lộ trình đã được thống nhất và đẩy nhanh chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin của Nga tại Việt Nam. Việt Nam có thể trở thành trung tâm sản xuất vắc-xin Sputnik-V của Nga tại Đông Nam Á.

Đại sứ cũng cho rằng kim ngạch thương mại gần 5 tỉ USD là rất khiêm tốn, chưa tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp và mong mỏi của người dân hai nước. Trong thời gian tới, chính phủ hai nước quyết tâm hợp tác chặt chẽ hơn trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư.

“Rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam tháp tùng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sang Nga lần này sẽ khảo sát thị trường. Tôi tin tưởng nhiều doanh nghiệp Việt Nam sẽ coi Nga là điểm đến đầu tư an toàn và thuận lợi. Ngược lại, rất nhiều doanh nghiệp Nga đang quan tâm đến dự án về dầu khí, năng lượng và các lĩnh vực mới ở Việt Nam” – Đại sứ Đặng Minh Khôi đánh giá. 

Thúc đẩy quan hệ nhiều mặt với Thụy Sĩ

Trước đó, sáng 29-11 (giờ địa phương), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã rời TP Geneva, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Thụy Sĩ từ ngày 25 đến ngày 29-11 theo lời mời của Tổng thống Guy Parmelin.

Thành công của chuyến thăm đã truyền tải mạnh mẽ thông điệp của Việt Nam mong muốn thúc đẩy quan hệ nhiều mặt, thiết thực với Thụy Sĩ qua các định hướng hợp tác mới, tiềm năng về kinh tế, thương mại, đầu tư… Chuyến thăm cũng khẳng định chủ trương của Việt Nam coi trọng hợp tác với LHQ cũng như các tổ chức chuyên môn của LHQ có trụ sở tại Thụy Sĩ; đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ cho nỗ lực phòng chống Covid-19, phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội thời gian tới.


DƯƠNG NGỌC

Chia sẻ