Hội thảo khoa học Quá trình xác lập chủ quyền của Nhà nước Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa do Hội Khoa học lịch sử tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức ngày 18-8 có sự tham gia của nhiều chuyên gia về sử học, pháp lý đến từ Hà Nội, Huế, Đà Nẵng và TP HCM.

Phát hiện mới

Trong đề dẫn, PGS-TS Đỗ Bang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho biết mục đích tổ chức hội thảo nhằm khẳng định vai trò của Nhà nước Việt Nam, trong đó có vai trò của chính quyền đóng tại Thừa Thiên – Huế trong việc xác lập và thực thi chủ quyền về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Dựa trên nhiều nguồn tư liệu khác nhau, PGS-TS Đỗ Bang đã minh chứng tính liên tục về chủ quyền của Nhà nước Việt Nam thời Chúa Nguyễn và Tây Sơn thông qua đội Hoàng Sa và Bắc Hải do nhà nước thành lập hằng năm ra khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên và sản vật từ các con tàu đắm tại vùng biển đảo này về nộp cho phủ chúa.

Ngoài ra, đội Hoàng Sa còn làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo và cứu hộ, cứu nạn, một nhiệm vụ nhân đạo đối với quốc gia có chủ quyền về biển đảo trong thông lệ quốc tế. “Qua tư liệu đã công bố cho thấy chính quyền Chúa Nguyễn và Tây Sơn là chủ sở hữu liên tục, duy nhất đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được Trung Quốc, Hà Lan và nhiều nước trên thế giới thừa nhận, một di sản lịch sử vô giá trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam hiện nay” – PGS-TS Đỗ Bang khẳng định.

Ông cũng chỉ ra rằng các nước tranh chấp chủ quyền biển đảo với Việt Nam tại biển Đông, không có nước nào có bộ Châu bản, Mộc bản, bộ chính sử của Nhà nước và bộ bản đồ quốc gia ghi lại. Đây là một ưu thế về lịch sử chủ quyền của Nhà nước Việt Nam thế kỷ XIX đến năm 1945.

Trong tham luận của mình, PGS-TS Nguyễn Tất Thắng và Nguyễn Anh Tuấn cho rằng việc thực hiện cứu nạn trên biển dưới triều Nguyễn (1802-1885) mang một ý nghĩa to lớn trong việc khẳng định quyền kiểm soát và chủ quyền biển của nước ta, nhất là đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa – nơi thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn trên biển.

Theo PGS-TS Đỗ Bang, một phát hiện mới về tư liệu của một nhân vật chỉ huy thủy quân dưới hai vương triều Gia Long và Minh Mạng liên quan trực tiếp đến thực thi chủ quyền tại Hoàng Sa – Trường Sa là Khâm sai Thống chế Phạm Văn Tường mà bấy lâu ít được sử sách đề cập.

Qua nghiên cứu, TS Võ Vinh Quang cho rằng nhờ am tường sông biển, có tài về thủy chiến, Khâm sai Thống chế Phạm Văn Tường đã dần được thăng lên các chức vụ quan trọng trong triều đình nhà Nguyễn ở các triều vua Gia Long, Minh Mạng. Ông cũng là người trải qua 8 năm thống quản Trường Đà sự, trực tiếp chỉ đạo các công tác thực thi chủ quyền biển đảo, với việc liên tục sai phái những đội Hoàng Sa, Bắc Hải tiến hành đo đạc, thu thập và tiếp quản Hoàng Sa, Trường Sa.

ThS Nguyễn Quang Trung Tiến nhận xét việc hàng chục cuốn từ điển, bách khoa toàn thư ở thế kỷ XIX được xuất bản từ các quốc gia Anh, Pháp, Mỹ… đã đưa thông tin về Hoàng Sa và gắn chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này vào trong hệ thống sách tra cứu tri thức mang tầm vóc quốc tế. Đồng thời, chúng có tính phổ biến trên toàn thế giới. 

Đó là những minh chứng lịch sử hết sức thuyết phục để khẳng định việc sở hữu hợp pháp quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế biết đến, thừa nhận hay công nhận một cách rộng rãi, khách quan trong quá khứ, trở thành tri thức chung của thế giới ngay ở thế kỷ XIX.

Qua khảo cứu nhiều công trình địa lý học thế giới, ThS Nguyễn Quang Trung Tiến cho biết tất cả khẳng định Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam vào thời điểm năm 1816; được đánh dấu như là một niên biểu quan trọng của thế giới về chủ quyền của vương triều Gia Long đối với quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa.

Lễ rước bằng Di tích lịch sử quốc gia Đình làng An Vĩnh và bằng Di sản văn hóa phi vật thể Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ở Lý Sơn, tỉnh Quảng NgãiẢnh: TỬ TRỰC

Nhà nước Việt Nam liên tục khẳng định chủ quyền

Nghiên cứu về những cuộc chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng dưới hai thể chế quốc gia Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa (1949-1975) trước sự bành trướng, chiếm đóng của Trung Quốc tại Hoàng Sa, Trường Sa, ThS Nguyễn Đình Dũng nhận xét: “Đây là những bài học quý giá để hôm nay và mai sau chúng ta có đủ bằng chứng lịch sử, pháp lý về sự liên tục trong việc thực thi quyền và chủ quyền biển đảo của Việt Nam trên hai quần đảo này”.

Theo ThS Lưu Anh Rô, chính những công bố về trữ lượng dầu khí ở biển Đông và kêu gọi đầu tư của Việt Nam Cộng hòa lúc đó là một trong những yếu tố làm thôi thúc hơn nữa việc Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam ngay sau đó.

Nghiên cứu một số thông tin qua hồ sơ lưu trữ tại Bảo tàng Đà Nẵng, ThS Bùi Văn Tiếng nhận xét rằng chính quyền Việt Nam Cộng hòa thiên về quan điểm cần đề cao cảnh giác với âm mưu và thủ đoạn của Trung Quốc độc chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa.

Trong khi đó, PGS-TS Trần Nam Tiến nhận định từ đầu thế kỷ XX đến nay, qua các chính quyền khác nhau, quá trình hành xử chủ quyền diễn ra liên tục, không từ bỏ chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa.

Tìm hiểu một số hội nghị quốc tế liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa giai đoạn 1943-1973, TS Nguyễn Thanh Minh cho rằng những tư liệu và chứng cứ, văn kiện pháp lý quốc tế đã không xác nhận chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào khác đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Nhà nước Việt Nam.

Một nội dung quan trọng được các nhà nghiên cứu, pháp lý trình bày tham luận tại hội thảo là vấn đề đấu tranh pháp lý bảo vệ chủ quyền biển đảo.

PGS-TS Trương Minh Dục khẳng định theo luật pháp quốc tế đương đại về thụ đắc lãnh thổ, một quốc gia được coi là có chủ quyền đối với một vùng lãnh thổ khi quốc gia đó chứng minh được mình đã chiếm hữu, thực thi, quản lý và khai thác lãnh thổ đó với tư cách nhà nước một cách liên tục, hòa bình. Theo đó, Việt Nam đã xác lập, thực thi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa hoàn toàn phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế.

GS-TS Nguyễn Bá Diến lập luận rằng từ lâu nhà nước Việt Nam đã khai phá, chiếm hữu thật sự, công khai và liên tục vùng đảo Hoàng Sa và vùng đảo Trường Sa khi mà các quần (vùng) đảo này chưa thuộc chủ quyền của bất cứ quốc gia nào. Hoàng Sa và Trường Sa chưa bao giờ thuộc lãnh thổ của Trung Quốc.

Theo hướng khai thác nguồn tư liệu lịch sử trong nước và công pháp quốc tế, TS Lê Nhị Hòa trong tham luận của mình đã phân tích: “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và căn cứ pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982. Những tuyên bố và hành động của Trung Quốc trên biển Đông không thể thay đổi sự thật lịch sử về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này”. 

Sẽ thắng nếu kiện Trung Quốc

Trong tham luận “Kiện Trung Quốc lên Tòa án Trọng tài thường trực là giải pháp cần thiết của Nhà nước Việt Nam để bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam hiện nay” – ThS Trần Việt Dũng rất lạc quan: “Các căn cứ cùng với những nhận định của các chuyên gia pháp luật quốc tế đã đem đến niềm tin vững chắc cho chúng ta rằng sẽ chiến thắng nếu kiện Trung Quốc ra Tòa án Trọng tài thường trực quốc tế”.

ThS Trần Việt Dũng có bình luận trong “cuộc chiến công hàm” của các nước phản đối những yêu sách của Trung Quốc ở biển Đông thời gian qua cho thấy sự đơn độc của Trung Quốc trong cuộc chiến pháp lý với các quốc gia ASEAN trong việc giải quyết các tranh chấp ở biển Đông.


Quang Nhật

Chia sẻ