Hãng tin Reuters đánh giá hai nước đang ngày càng gần gũi hơn và chuyến thăm Hà Nội của Phó Tổng thống Harris dường như minh chứng rõ nét cho điều này. Chính bà Harris trong cuộc họp báo chiều 26-8 tại Hà Nội cũng khẳng định chuyến thăm của bà “báo hiệu cho sự khởi đầu của chương mới trong quan hệ Việt – Mỹ”.

Bà Harris là quan chức cấp cao nhất trong chính quyền Tổng thống Joe Biden đến thăm Đông Nam Á và là Phó Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên thăm Việt Nam, qua đó tái cam kết mối quan tâm hàng đầu của Washington dành cho khu vực.

Trước bà Harris, Washington đã tăng cường kết nối với khu vực trong những tuần gần đây, với chuyến thăm Singapore, Việt Nam và Philippines hồi tháng 7 của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và hàng loạt hội nghị trực tuyến với các bộ trưởng ngoại giao ASEAN của Ngoại trưởng Anthony Blinken vào đầu tháng này.

Đáng chú ý, theo trang Asia Times, Singapore và Việt Nam là hai nước ASEAN được nêu tên trong bản báo cáo Hướng dẫn Chiến lược an ninh quốc gia tạm thời được Mỹ công bố hồi tháng 3 năm nay. Báo cáo này liệt kê những quốc gia mà Mỹ dự định thắt chặt quan hệ trong chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương mở rộng.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và phu quân Doug Emhoff lên chiếc Không lực 2 để quay về Washington từ căn cứ ở Honolulu, Hawaii, hôm 26-8 Ảnh: REUTERS

Không chỉ Đông Nam Á mà cả châu Á cũng dõi theo chuyến thăm của bà Harris. Trao đổi với báo The Guardian, ông Ashley Townshend, Giám đốc về chính sách đối ngoại và quốc phòng tại Trung tâm Nghiên cứu Mỹ của Trường ĐH Sydney (Úc), cho rằng điều mà khu vực này trông chờ nhất ở Mỹ trong thời gian tới là một chiến lược cụ thể nhằm thúc đẩy đầu tư và thương mại, đồng thời Washington quay lại Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Nhận định các đối tác khu vực hiểu rằng Mỹ cần thời gian để tái định hình chính sách thương mại cũng như thu xếp tình hình trong nước, song chuyên gia Steven Okun của Tổ chức tư vấn McLarty Associates (Mỹ) cho rằng họ không thể chờ đợi mãi và Washington cần theo đuổi một thỏa thuận tự do thương mại đầy đủ với các nước Đông Nam Á.

Trong lúc chờ đợi, theo ông Okun, Mỹ có thể bắt đầu bằng một thỏa thuận về hợp tác thương mại số, vốn tương đối dễ đàm phán và rất quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu hậu đại dịch Covid-19. Song song đó là tiến hành các thảo luận về chuỗi cung ứng nhằm giải tỏa các thiếu hụt ngắn hạn. 


Hải Ngọc

Chia sẻ