Hãng tin AP dẫn lời Bộ Ngoại giao Philippines cho biết Manila “cũng mạnh mẽ phản đối” việc Bắc Kinh tiếp tục đưa ra các thách thức qua vô tuyến đối với máy bay của Philippines tuần tra ở biển Đông.

Bộ này không cung cấp thông tin chi tiết vụ lực lượng tuần duyên Trung Quốc “tịch thu ngư cụ của ngư dân Philippines bất hợp pháp”. Các ngư cụ được người dân địa phương gọi là “payao”, bị tịch thu hồi tháng 5 sau khi chúng được ngư dân Philippines giăng tại bãi cạn Scarborough, ngoài khơi tỉnh Zambales, Tây Bắc Philippines.

Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough sau một cuộc tranh chấp căng thẳng trên biển vào năm 2012. Philippines đưa tranh chấp ra tòa trọng tài quốc tế vào năm sau. Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague – Hà Lan năm 2016 đã vô hiệu hóa các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc đối với hầu như toàn bộ biển Đông nhưng Bắc Kinh phớt lờ phán quyết và tiếp tục bành trướng.

Ngư dân Philippines trong một lần phản đối lực lượng Trung Quốc tịch thu cá của họ gần bãi cạn Scarborough. Ảnh: AP

Các quan chức Philippines còn cáo buộc lực lượng Trung Quốc tăng cường cảnh báo qua vô tuyến đối với máy bay tuần tra của không quân Philippines xung quanh các đảo nhân tạo được Trung Quốc bảo vệ bằng tên lửa.

Gần đây nhất, hôm 10-8, Phó Đô đốc Philippines Giovanni Bacordo cho biết 2 tàu nghiên cứu của Trung Quốc đã hoạt động gần bãi Cỏ Rong (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam ở biển Đông nhưng Philippines kiểm soát trái phép) khoảng 1 tuần. Vụ việc được báo cáo cho Chỉ huy Các lực lượng vũ trang và Bộ Quốc phòng Philippines, yêu cầu Manila gửi công hàm ngoại giao phản đối.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lên án Trung Quốc lợi dụng thế giới đang mải chống đại dịch Covid-19 để thúc đẩy các yêu sách lãnh thổ ở biển Đông cũng như các nơi khác.

Theo AP, hồi tháng trước, Washington bác bỏ gần như tất cả tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở biển Đông, trên thực tế đứng về phía Philippines, Việt Nam… Trung Quốc đáp trả bằng cách chỉ trích Mỹ cố gắng gây bất hòa và can thiệp vào một cuộc tranh chấp ở châu Á để “phô trương sức mạnh và châm ngòi cho một cuộc đối đầu”.


Phạm Nghĩa (Theo AP)

Chia sẻ