Lao động Philippines ở nước ngoài (OFW) đang rơi vào khủng hoảng chưa từng có kể từ khi xuất khẩu lao động (XKLĐ) trở thành chính sách của nhà nước Philippines vào đầu những năm 1980.

Chờ đợi mỏi mòn

Lực lượng lao động này trước nay là trụ cột của nền kinh tế. Lượng kiều hối khoảng 30 tỉ USD/năm họ gửi về quê hương là động lực phát triển quan trọng cho nền kinh tế Philippines, giúp nuôi sống hàng triệu gia đình. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã tạo ra làn sóng thất nghiệp lớn chưa từng thấy trên khắp thế giới. Chính phủ Philippines chuẩn bị phải đón thêm hàng trăm ngàn lao động thất nghiệp hồi hương trong thời gian tới.

Tờ South China Morning Post (SCMP – Hồng Kông) dẫn trường hợp của Teodoro Santos, lao động Philippines ở thủ đô Doha của Qatar, đã chờ đợi chuyến bay về nước 2 tháng nay. Những lao động xuất khẩu như Teodoro Santos đều đã mua vé máy bay. Thế nhưng, theo Teodoro Santos, chính phủ Philippines hủy các chuyến bay và chưa nêu rõ lý do. Chính phủ mãi “lần khân” khiến hơn 5.000 lao động Philippines ở nước ngoài bị mắc kẹt ở Qatar sau khi mất việc do dịch Covid-19. Trước đó, vào tháng 5, chính phủ nói rằng sẽ dùng mọi tài nguyên trong tay, mọi phương tiện có thể từ xe buýt, máy bay hoặc tàu để mang người lao động về nước.

Teodoro Santos cho biết anh và nhiều lao động đã liên lạc với Văn phòng Lao động ở nước ngoài của Philippines và Cơ quan Phúc lợi lao động nước ngoài thuộc Bộ Lao động nhưng không có kết quả. Đại sứ quán thêm tên của họ vào danh sách hồi hương song không thể nói khi nào họ sẽ được đưa về nhà. Teodoro Santos than thở: “Chúng tôi được thông báo rằng tất cả chuyến bay trong tháng 7 và tháng 8 đã bị hủy vì nhiều đường bay quốc tế bị hạn chế”.

Nhân viên chính phủ phun thuốc khử trùng vào hành lý của các lao động xuất khẩu của Philippines tại một cảng biển ở TP Cebu hồi cuối tháng 5-2020 Ảnh: EPA

Thuê tàu du lịch thay máy bay

Số lượng chuyến bay bị hạn chế, chi phí cho các máy bay cao ngất được cho là nguyên nhân chính của sự chậm trễ. Cơ quan Hàng không dân dụng Philippines cho biết hiện chỉ có 3 chuyến bay hồi hương mỗi tuần, mỗi chuyến có 350 người. Mỗi chuyến bay có giá lên tới 260.000 USD, đang tạo ra áp lực lớn đối với chính quyền của Tổng thống Rodrigo Duterte. Chính vì vậy, ông Adnan Alonto, đại sứ Philippines tại Ả Rập Saudi, đã đề nghị Manila có thể xem xét việc thuê tàu du lịch thay vì máy bay. Đến cuối tháng 6, 56.200 lao động đã được hồi hương.

Bên cạnh đó, các quan chức của Cơ quan Hàng không dân dụng phủ nhận việc áp đặt các hạn chế chuyến bay, cho biết những điều này do lực lượng đặc nhiệm chống dịch Covid-19 của chính phủ đưa ra. Với tốc độ đó, một nhà lập pháp lưu ý rằng sẽ phải đến cuối năm 2021 mới chỉ có thể hồi hương những lao động hiện ở Ả Rập Saudi.

Tương tự nhiều nước khu vực Đông Nam Á, Philippines bị quá tải trong khâu xét nghiệm, cách ly dù còn rất nhiều công dân kẹt ở nước ngoài có nguyện vọng được về nhà. Khâu xét nghiệm cũng bị đổ lỗi làm chậm trễ việc hồi hương lao động Philippines ở nước ngoài. Đó là chưa kể đến chuyện một số người trở về bị đổ lỗi khiến số lượng ca mắc Covid-19 gia tăng khắp Philippines.

Vào tháng 5, nhân viên y tế của TP Cagayan de Oro ở miền Nam Philippines nói với trang tin Rappler rằng các ca mắc ở địa phương tăng đột biến một phần do hồi hương lao động Philippines ở nước ngoài. Vào thời điểm đó, hơn 30.000 người Philippines đã hồi hương, xét nghiệm 27.000 người thì có 515 trường hợp dương tính với virus gây Covid-19 (SARS-CoV-2). Các quan chức địa phương ở các tỉnh Cebu, Iloilo và Negros Occidental cho biết 18 lao động Philippines ở nước ngoài mới trở về cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Tổng cộng trên cả nước Philippines có hơn 44.250 ca mắc, gần 1.300 người chết. 

Theo SCMP, số lao động Philippines ở nước ngoài mất việc hoặc không thể làm việc do lệnh phong tỏa có thể tăng lên 700.000 vào cuối năm nay. Chính quyền Manila cho rằng trong trường hợp xấu nhất có thể chạm ngưỡng con số ước tính này. Con số đó chiếm khoảng 8% trong số hơn 8,73 triệu người quốc tịch Philippines đang làm việc ở nước ngoài. Trong đó, 3,39 triệu là lao động hợp pháp; 3,79 triệu là lao động nhập cư được lưu trú lâu dài; 1,55 triệu người làm việc bất hợp pháp.


Huệ Bình

Chia sẻ