Lạm phát tại Nhật Bản đã đạt mức cao nhất trong 4 thập kỷ, gia tăng áp lực buộc ngân hàng trung ương phải rút lại các gói kích thích kinh tế lớn. Theo dữ liệu được Bộ Nội vụ Nhật Bản công bố hôm 23-12, giá hàng hóa tiêu dùng trong tháng 11 tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1981, một phần do chi phí năng lượng tăng cao.

 Trong tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cơ bản của nước này tăng 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái và đây là tháng thứ 15 liên tiếp, chỉ số này tăng. Mặc dù thấp hơn mức lạm phát cao kỷ lục ở các nước Mỹ, Anh và những nơi khác nhưng lạm phát tại Nhật Bản vẫn cao hơn mức mục tiêu dài hạn của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đặt ra là 2%.

Không giống như Mỹ và các nền kinh tế khác đã tăng mạnh lãi suất trong năm nay để ngăn lạm phát, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới đi ngược lại xu hướng này và tiếp tục duy trì lãi suất ở mức cực thấp để kích thích tăng trưởng kinh tế.

 Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda hôm 20-12 cho biết Nhật Bản sẽ không ngần ngại nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa nếu cần thiết khi nền kinh tế nước này đối mặt với nhiều bất ổn. Thống đốc Kuroda cho biết ngân hàng không có ý định rút lại gói kích thích kinh tế vì lạm phát dự kiến sẽ giảm xuống dưới mức 2% vào năm tới.

Khu mua sắm ở thủ đô Tokyo – Nhật Bản hôm 23-12 chật kín người. Ảnh: REUTERS

Bên cạnh việc giữ nguyên lãi suất cơ bản, BOJ sẽ tăng biên độ lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm từ mức 0,25% như hiện tại lên mức 0,5%. BOJ cũng thông báo tăng đáng kể hoạt động mua trái phiếu lên 9.000 tỉ yen (khoảng 67,5 tỉ USD) mỗi tháng so với mức 7.300 tỉ yen theo kế hoạch hiện tại.

Đồng yen Nhật lập tức tăng giá sau thông báo của BOJ. Các nhà phân tích của Ngân hàng Mizuho (Nhật Bản) cảnh báo: “Các nhà đầu tư nên chuẩn bị tinh thần cho việc đồng yen tăng giá nhanh chóng so với đồng USD một khi thị trường chứng kiến chính sách tiền tệ ở Nhật Bản và Mỹ đảo chiều”.

Tuy nhiên, theo tờ Mainichi, ông Norihiro Fujito, chiến lược gia trưởng về đầu tư tại Công ty Chứng khoán Mitsubishi UFJ Morgan Stanley (Nhật Bản), cho rằng đây rõ ràng là quyết định “tăng lãi suất” dù BOJ phủ nhận.

Bình luận về quyết định đầy bất ngờ của BOJ, chiến lược gia Fujito cho hay: “Có thể nói rằng Thống đốc Kuroda đang mở đường cho việc BOJ từ bỏ chính sách tiền tệ siêu lỏng trong thời gian từ nay cho tới khi ông ấy kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 4-2023”.

Các chỉ số quan trọng ở châu Á giảm điểm trong phiên giao dịch hôm 23-12 như chỉ số Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm 1,03%, Hang Seng (Hồng Kông – Trung Quốc) giảm 0,3%, Shanghai Composite (Trung Quốc) giảm 0,28%, S&P/ASX 200 (Úc) giảm 0,252% và Kospi (Hàn Quốc) cũng giảm 1,83%.

Theo hãng tin Reuters, giá cổ phiếu châu Á giảm trong khi đồng USD tăng giá nhờ dữ liệu phục hồi kinh tế lạc quan của Mỹ. Ông Tony Sycamore, nhà phân tích thị trường tại Công ty Cung cấp giao dịch trực tuyến IG (Anh), cho biết dữ liệu kinh tế mới của Mỹ gây lo ngại rằng việc thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa vào năm 2023 sẽ là điều cần thiết để hạ nhiệt lạm phát.

Các nhà đầu tư lo ngại kịch bản Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất cao hơn và duy trì ở mức đó lâu hơn dự kiến, làm tăng khả năng suy thoái kinh tế. FED trong tuần này cho rằng lãi suất có thể đạt phạm vi từ 5% – 5,25% vào cuối năm 2023 và không có ý định hạ lãi suất trước năm 2024. 


Tường Châu