Trong buổi phỏng vấn với kênh France 2, Bộ trưởng Le Drian còn cáo buộc Úc và Mỹ “vi phạm nghiêm trọng về lòng tin”.

Trong khuôn khổ của Aukus, Washington sẽ giúp Canberra xây dựng một đội tàu ngầm hạt nhân, khiến Canberra hủy bỏ thỏa thuận tàu ngầm chạy bằng động cơ diesel trị giá gần 40 tỉ USD với Paris.

Thỏa thuận Aukus, còn có sự tham gia của Anh, được xem là một nỗ lực nhằm đối phó tầm ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc trên biển Đông.

Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian chỉ trích Mỹ – Úc nặng lời. Ảnh: Reuters

Theo đài BBC, Pháp chỉ được thông báo về Aukus vài giờ trước khi thỏa thuận này được công bố. Paris đã triệu hồi các đại sứ tại Mỹ và Úc vì vấn đề này.

Hôm 18-9, Bộ trưởng Le Drian khẳng định một cuộc “khủng hoảng nghiêm trọng” đang hình thành giữa các đồng minh.

“Lần đầu tiên trong lịch sử các mối quan hệ giữa Mỹ và Pháp, chúng tôi triệu hồi đại sứ để tham vấn. Đây là một hành động chính trị nghiêm trọng, cho thấy mức độ của cuộc khủng hoảng đang tồn tại giữa 2 nước” – ông Le Drian nói, đồng thời cho biết thêm các đại sứ được triệu tập để “đánh giá lại tình hình”.

Bộ trưởng Le Drian còn cho biết thêm Pháp nhận thấy việc triệu hồi đại sứ ở Anh là “không cần thiết”, bởi London trong trường hợp này là một quốc gia bị kéo theo.

Tân Bộ trưởng Ngoại giao Anh Liz Truss khẳng định Aukus cho thấy London sẵn sàng “hành động cứng rắn” để bảo vệ lợi ích quốc gia. Ảnh: Reuters

Tân Bộ trưởng Ngoại giao Anh Liz Truss trước đó đã bảo vệ Aukus, nói rằng thỏa thuận này cho thấy London sẵn sàng “hành động cứng rắn” để bảo vệ lợi ích quốc gia.

Về phần mình, trong lúc rời Canberra vào ngày 18-9, Đại sứ Pháp tại Úc Jean-Pierre Thebault nhấn mạnh quyết định đơn phương hủy bỏ thỏa thuận tàu ngầm chạy bằng động cơ diesel của quốc gia này là “một sai lầm nghiêm trọng”.

Một quan chức của Nhà Trắng khẳng định chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ làm việc với Pháp trong vài ngày tới để giải quyết những sự khác biệt.

Chủ tịch Ủy ban quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Rob Bauer ngày 18-9 khẳng định căng thẳng giữa Mỹ và Pháp liên quan đến Aukus sẽ không làm ảnh hưởng đến “hợp tác quân sự” trong khối này.

“Có thể có những tác động hoặc hậu quả liên quan đến thỏa thuận Aukus nhưng ở thời điểm hiện tại, tôi không thấy việc này sẽ tác động đến sự gắn kết trong nội bộ NATO” – Đô đốc Bauer nói.


Cao Lực

Chia sẻ