“Tướng Prayuth Chan-o-cha có thể lưu trú hợp pháp tại các cơ sở đón khách của quân đội… trên cương vị là một cựu lãnh đạo quân đội và là một cá nhân đang phụng sự đất nước” – Tòa án Hiến pháp Thái Lan khẳng định, đồng thời nhấn mạnh Thủ tướng Prayuth không có hành vi xung đột lợi ích, tìm kiếm lợi ích cá nhân hoặc vi phạm đạo đức.

Theo Reuters, phán quyết trên cũng đồng nghĩa nhà lãnh đạo 66 tuổi có thể tiếp tục nắm quyền nhưng nhiều khả năng khiến căng thẳng gia tăng. Ngay khi phán quyết được công bố, những người phản đối Thủ tướng Prayuth đã tập trung tại một trong những nút giao đông đúc nhất ở thủ đô Bangkok để phản đối điều họ mô tả là “quyết định đi ngược lại mong muốn của người dân”. “Cuộc chiến vẫn chưa kết thúc” – Free Youth, một trong những nhóm tổ chức biểu tình, tuyên bố.

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha tại Tòa nhà Chính phủ ở thủ đô Bangkok hôm 2-12 Ảnh: Bloomberg

Trước đó, vào ngày 9-3, các nghị sĩ đối lập của Đảng Pheu Thai (Vì nước Thái) đã đệ đơn lên Tòa án Hiến pháp Thái Lan thông qua Chủ tịch Quốc hội Chuan Leekpai. Trong đơn kiện, Pheu Thai – đảng đối lập lớn nhất Thái Lan – cáo buộc Thủ tướng Prayuth xung đột lợi ích vì tiếp tục cư trú tại tòa nhà quân đội ở Bangkok khi đã giải ngũ, qua đó vi phạm điều 184 trong Hiến pháp. Đơn kiện khẳng định ông Prayuth lẽ ra phải rời khỏi dinh thự này sau khi giải ngũ và việc ông tiếp tục ở đây miễn phí đã vi phạm các quy định của quân đội.

Quân đội Thái Lan giải thích rằng ngôi nhà mà Thủ tướng Prayuth ở không phải là một “tòa nhà phúc lợi” dành cho giới chức cấp hàng đầu và nó đã được sử dụng làm “nhà khách” kể từ năm 2012. Quân đội cũng viện dẫn lý do an ninh để lý giải việc Thủ tướng Prayuth phải sinh sống trong khu phức hợp quân sự. Sau khi dẫn đầu cuộc đảo chính lật đổ chính quyền do Đảng Pheu Thai đứng đầu vào ngày 22-5-2014, ông Prayuth thôi làm Tư lệnh Lục quân vào ngày 30-9-2014. Ông giữ chức thủ tướng và tiếp tục đắc cử trong cuộc tổng tuyển cử năm ngoái.

Theo báo Bangkok Post, Thủ tướng Prayuth những tháng qua đối mặt với sức ép gia tăng không chỉ từ vụ kiện nêu trên mà còn từ làn sóng biểu tình yêu cầu ông và chính phủ của ông từ chức, cũng như sửa đổi Hiến pháp và cải cách chế độ quân chủ. Yêu cầu cuối cùng bị cho là gây tranh cãi nhất. Mặc dù các nhà lập pháp Thái Lan vào tháng rồi bỏ phiếu để bắt đầu quá trình sửa đổi Hiến pháp, hầu hết họ đến giờ vẫn không muốn đụng chạm đến quyền lực của nhà vua. 


Cao Lực

Chia sẻ