Tại Mỹ và nhiều nước châu Âu đang diễn ra các vụ kiện cấp liên bang, chính phủ đối với bị đơn là 2 gã khổng lồ công nghệ Facebook và Google. Mục đích là nhằm cố gắng hạn chế sự thống lĩnh và tầm ảnh hưởng – ở mức độ gần như độc quyền trên thị trường và ngày càng nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động kinh doanh, môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp (DN). Việt Nam không đứng ngoài thực tế này.

Thu hàng tỉ USD mỗi năm

Theo thông lệ quốc tế và cũng được quy định tại Luật Cạnh tranh của Việt Nam, khi một hoặc nhóm DN có tổng thị phần từ 50% trở lên trên thị trường liên quan sẽ được xác định là có “vị trí thống lĩnh thị trường”. DN được coi là có “vị trí độc quyền” nếu không có DN nào cạnh tranh về hàng hóa, dịch vụ mà DN đó kinh doanh trên thị trường liên quan.

Qua đó, có thể thấy tại Việt Nam từ hàng chục năm qua, những hãng công nghệ khổng lồ như Facebook, Google và Microsoft… đang nắm giữ vị thế thống lĩnh thị trường; đồng thời, gần như có vị trí độc quyền trong hàng loạt dịch vụ về công nghệ thông tin… Các sản phẩm, dịch vụ của Facebook, Google liên quan mật thiết đến đời sống xã hội và môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Trong lĩnh vực kinh tế, dân sự, hầu hết các cá nhân và DN đều đang sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của Facebook và Google. Mạng xã hội Facebook thu hút hầu hết mọi cá nhân mở tài khoản để giao tiếp, gửi thông tin và cả kinh doanh mua bán. Ngoài ra, hầu như ai cũng dùng thư điện tử của Google. Dịch vụ và sản phẩm của Google như email, các phần mềm văn phòng (tài liệu, bảng tính…), Blog, Sites, YouTube, G-Suite… được rất nhiều DN sử dụng.

Với dân số 96 triệu người, là một thị trường “béo bở” cho cả Facebook và Google, công ty đang sở hữu YouTube. Năm 2018, với khoảng 65 triệu tài khoản ở Việt Nam, Facebook ghi nhận doanh thu gần 1 tỉ USD, chiếm khoảng 1/3 doanh thu của mạng xã hội khổng lồ Mỹ ở Đông Nam Á. Trong khi đó, Google thu được 475 triệu USD trong cùng thời gian này nhờ quảng cáo trên YouTube.

Google thu mỗi năm hàng trăm triệu USD qua kênh YouTube tại thị trường Việt Nam Ảnh: Quang Liêm

Phải đăng ký hoạt động chính thức tại Việt Nam

Theo quy định tại Luật Cạnh tranh năm 2018, chính sách của Việt Nam về cạnh tranh là tạo lập, duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng, bình đẳng, minh bạch; bảo đảm quyền tự do cạnh tranh trong kinh doanh của DN; nâng cao phúc lợi xã hội và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Mặt khác, đối tượng áp dụng của Luật Cạnh tranh không chỉ là tổ chức, cá nhân kinh doanh và có đăng ký kinh doanh tại Việt Nam mà còn bao gồm cả cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan. Luật Cạnh tranh cũng đưa ra quy định về việc hợp tác quốc tế trong tố tụng cạnh tranh. Theo đó, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia tiến hành hoạt động hợp tác với các cơ quan cạnh tranh của nước ngoài trong quá trình tố tụng cạnh tranh để kịp thời phát hiện, điều tra và xử lý đối với các hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật về cạnh tranh. Phạm vi hợp tác quốc tế trong quá trình tố tụng cạnh tranh bao gồm tham vấn, trao đổi thông tin, tài liệu hoặc các hoạt động hợp tác quốc tế phù hợp khác theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Như vậy, có thể hiểu là nhà nước Việt Nam có thẩm quyền và trách nhiệm quản lý, ban hành các chính sách, pháp luật, thực hiện các biện pháp để hạn chế các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, ngăn chặn hành vi lạm dụng vị thế thống lĩnh thị trường hay độc quyền của Facebook hoặc Google có thể gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, cũng như môi trường hoạt động kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh.

Về quản lý kinh doanh, chống thất thu thuế, Chính phủ đã ban hành các văn bản về thu thuế đối với hoạt động kinh doanh mua bán trên mạng xã hội Facebook, thu thuế quảng cáo nhà thầu trên các tài nguyên và sản phẩm liên quan của Facebook và Google. Tuy nhiên, về mặt quản lý và xử lý trên phương diện cạnh tranh có lẽ còn nhiều việc phải làm, trong đó có việc yêu cầu Facebook và Google phải đăng ký hoạt động kinh doanh chính thức tại Việt Nam. Chỉ khi đó mới có thể có những quy định về pháp luật, như một DN. Tuy nhiên, việc quản lý và hạn chế hai gã khổng lồ này tại Việt Nam cũng không thể là chuyện một sớm một chiều.

Trước mắt, có thể thấy kết quả giải quyết các vụ kiện chống độc quyền đối với Facebook và Google, đặc biệt tại Mỹ, chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vị thế và hoạt động kinh doanh của Facebook, Google tại Việt Nam. Chẳng hạn như nếu tòa án Mỹ tuyên buộc Facebook phải tách thành nhiều công ty nhỏ, sẽ dẫn đến có sự thay đổi đối với từng dịch vụ và số lượng người dùng. Cũng như nhiều khả năng sẽ xuất hiện thêm các sản phẩm mới, tương đồng, từ các DN khác nhỏ hơn. Những điều này đều có tác động tích cực đến thị trường Việt Nam. 

Mong chờ những sản phẩm nội địa xứng tầm

Người tiêu dùng, DN Việt Nam vẫn luôn mong chờ các sản phẩm, dịch vụ công nghệ nội địa ngang tầm với Facebook, Google làm ra và cung cấp ra thị trường.

Những năm gần đây, nhiều tập đoàn, DN Việt Nam đã cố gắng đầu tư, sản xuất và triển khai các dịch vụ công nghệ, thông tin, mạng xã hội, thiết bị đầu cuối ra thị trường. Tuy nhiên, kết quả vẫn còn rất khiêm tốn so với kỳ vọng, nhất là khi có sẵn một thị trường đầy tiềm năng với cả trăm triệu khách hàng. Ngoài việc phải đầu tư và phát triển công nghệ, phần cứng, phần mềm, Việt Nam còn phải đa dạng hóa các dịch vụ, sản phẩm (như dịch vụ đám mây, Big Data…). Để khắc phục và giảm dần khoảng cách với các hãng công nghệ tiên tiến của Mỹ, rõ ràng cần phải có nguồn lực, thời gian, bao gồm cả chính sách quản lý, khuyến khích của nhà nước ở tầm vĩ mô.


Luật sư Trần Hồng Phong, Đoàn Luật sư TP HCM

Chia sẻ