Theo hãng tin PTI, câu trả lời trên được ông Biden đưa ra hôm 19-11 khi được hỏi về phát biểu của mình trong các cuộc tranh luận tổng thống trước đó. Cụ thể, trong các cuộc tranh luận với Tổng thống Donald Trump, ông Biden nói rằng muốn trừng phạt Trung Quốc theo cách mà Bắc Kinh đã hành xử.

Phóng viên thắc mắc lệnh trừng phạt có liên quan tới lĩnh vực kinh tế hoặc thuế quan hay không và ông Biden trả lời: “Không hẳn là về lệnh trừng phạt Trung Quốc mà là đảm bảo Trung Quốc hiểu rằng họ phải chơi theo luật. Đó là một đề xuất đơn giản. Đó là một trong những lý do tại sao chính quyền của tôi sẽ tái gia nhập WHO. Cần cải cách, thừa nhận và tái tham gia Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Đồng thời, phải đảm bảo phần còn lại của thế giới và chúng ta đoàn kết, đưa ra những quan điểm đúng đắn”.

Vào tháng 4, Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút khỏi WHO vì cho rằng tổ chức của Liên Hiệp Quốc này không giám sát dịch Covid-19 cẩn thận khi nó bắt đầu lây lan ở Trung Quốc.

Ứng viên tổng thống Đảng Dân chủ Joe Biden. Ảnh: PTI

Trước đó 1 ngày, Thượng nghị sĩ Jim Risch, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, công bố báo cáo mang tựa đề: “Mỹ và châu Âu: Chương trình nghị sự cụ thể cho hợp tác xuyên Đại Tây Dương về Trung Quốc” nhằm thúc đẩy Mỹ và châu Âu hợp tác nhiều hơn để chống lại những thách thức do Trung Quốc đặt ra.

“Chúng ta phải sẵn sàng làm việc với các đồng minh và đối tác đáng tin cậy của mình, chống lại một Trung Quốc ngày càng đối đầu, cố gắng phá hoại sự thịnh vượng, an ninh và quản trị ở mọi khu vực trên toàn cầu” – ông Risch nói.

Theo báo cáo, Mỹ và châu Âu ngày càng đồng tình rằng Trung Quốc đặt ra những thách thức lớn về chính trị, kinh tế, thậm chí là an ninh. Trong khi đó, các nghị sĩ ở hai bờ Đại Tây Dương đóng vai trò tích cực và dẫn đầu trong việc chuyển đổi cách tiếp cận để đáp ứng những thách thức này.


Phạm Nghĩa

Chia sẻ