Lạm phát giá tiêu dùng tại Nhật Bản trong tháng 11 vừa qua đã vượt mốc 1%, đánh dấu mức tăng theo năm lớn nhất trong gần 2 năm qua – chủ yếu do giá nhiên liệu tăng.

Dù vậy, các nhà phân tích cho Reuters hay rằng Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) nhiều khả năng sẽ không sớm thu hồi chính sách kích thích tiền tệ do lạm phát vẫn cách xa mốc 2% do ngân hàng trung ương đặt ra.

Tại Mỹ, giá cả vẫn đứng ở mức cao trong khi lạm phát chưa có dấu hiệu sớm hạ nhiệt. Đó là nhận định của đài CNN sau khi Cục Phân tích kinh tế Mỹ hôm 23-12 thông báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 5,7% trong 12 tháng qua (kết thúc vào tháng 11-2021).

Đây là mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 7-1982. Nếu không tính giá năng lượng và thực phẩm, mức tăng trên là 4,7%, là mức tăng lớn nhất kể từ tháng 9-1983. Lạm phát leo thang ở Mỹ phần lớn do giá năng lượng và thực phẩm tăng vọt, lần lượt tăng 34% và 5,6% so với một năm trước.

Nhiều nhà lập pháp theo Đảng Cộng hòa khẳng định lạm phát kỷ lục của Mỹ là bằng chứng cho thấy các chính sách kinh tế ngàn tỉ USD của Tổng thống Joe Biden không hiệu quả, khiến người dân Mỹ “nếm mùi thương đau” do thu nhập không theo kịp giá tăng.

Ngược lại, chính quyền ông Biden đổ lỗi cho việc đất nước mở cửa lại quá nhanh sau cơn suy thoái vì đại dịch Covid-19. Các nhà cung cấp không đáp ứng nổi nhu cầu tăng cao, từ đó đẩy giá cả tăng vọt và làm hàng hóa ùn ứ ở các cảng.

Người dân rửa tay và đo nhiệt độ trước khi vào một trung tâm thương mại ở thủ đô Tokyo – Nhật Bản Ảnh: REUTERS

Trong lúc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) không còn gọi lạm phát hiện nay là “tạm thời”, chính quyền ông Biden nhấn mạnh cơn sốt giá cả sẽ xuống thang vào năm sau khi chuỗi cung ứng thông suốt trở lại. Bằng chứng, theo họ, là giá năng lượng và giá xăng đã bắt đầu giảm.

Còn theo đài CNN, lạm phát ở Mỹ có thể đã qua đỉnh bởi thực tế giá cả tháng 11 vừa qua chỉ tăng nhẹ so với tháng 10, cụ thể là 0,6% so với 0,7%. Ngay cả khi bị lạm phát đánh mạnh vào chi tiêu sinh hoạt, người dân Mỹ đang lạc quan về triển vọng kinh tế hồi phục vào năm sau, theo một cuộc khảo sát tâm lý người tiêu dùng của Trường ĐH Michigan gần đây.

Về phương diện vĩ mô, chính phủ Mỹ hôm 22-12 thông báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý III/2021 tăng 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn so với ước tính trước đó (2,1%).

Một số nhà kinh tế trao đổi với báo New York Post rằng hy vọng GDP sẽ tăng trưởng nhanh hơn, thậm chí một vài dự đoán cực kỳ lạc quan cho rằng GDP quý IV/2021 có thể lên đến 7%. Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác lo ngại biến thể Omicron có nguy cơ châm ngòi cho một đợt đóng cửa nền kinh tế khác.

Sự lo ngại này cũng khiến các thị trường châu Âu khá lặng lẽ trong phiên giao dịch trước thềm Giáng sinh. Theo đài CNBC, chỉ số FTSE của Anh tăng 0,1%, còn các chỉ số CAC (Pháp), AEX (Hà Lan)… bình ổn. Các thị trường ở Đức, Ý, Thụy Sĩ đóng cửa trong khi nhiều nước lớn kết thúc giao dịch sớm.

Ngoài các biện pháp hạn chế để ngăn chặn Omicron, các nhà đầu tư còn e ngại việc các ngân hàng trung ương siết chặt chính sách để kéo lạm phát đi xuống.

Ở châu Á, phản ứng của thị trường khá nhiều chiều trong ngày 24-12. Một số chỉ số tăng như Nikkei (Nhật Bản), MSCI (chỉ số châu Á – Thái Bình Dương trừ Nhật Bản)… Ngược lại, cổ phiếu blue chip của Trung Quốc giảm 0,32% sau khi TP Tây An ở Tây Bắc nước này phong tỏa toàn bộ 13 triệu cư dân một ngày trước.

Phản ứng có phần lạc quan của thị trường châu Á, theo Reuters, là do dựa trên các nhận định biến thể Omicron nhiều khả năng không ảnh hưởng đáng kể đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

“Các chính sách siết chặt tiền tệ lẫn biến thể Omicron có vẻ không tác động quá nhiều đến kinh tế toàn cầu, do đó tiền lại đang chảy vào chứng khoán” – ông Steven Leung, Giám đốc điều hành ở Hồng Kông của ngân hàng đầu tư UOB Kay Hian (Singapore), nhận định. 

Đông Nam Á phục hồi chậm

Đầu tuần này, Thái Lan dừng chương trình nhập cảnh không cần cách ly đối với du khách đã được tiêm phòng Covid-19. Hướng đi này đang ngày càng phổ biến tại Đông Nam Á khi nhiều quốc gia trong khu vực tái ban bố các biện pháp hạn chế đi lại.

Singapore dừng bán vé chương trình đi lại miễn cách ly dành cho hành khách đã được tiêm phòng từ những quốc gia rủi ro thấp, như Mỹ, Anh và Úc. Những hành khách đã mua vé không bị ảnh hưởng bởi quyết định nêu trên song Singapore sẽ không bán vé mới cho đến khi chương trình này được nối lại vào ngày 20-1-2022. Trong khi đó, Malaysia khôi phục các biện pháp hạn chế tại biên giới đất liền với Singapore và Thái Lan.

Kể từ khi Covid-19 khởi phát, thế giới nhiều lần ban bố và tái ban bố các biện pháp hạn chế nhưng điều đáng lo ngại ở làn sóng lây nhiễm hiện tại là các quy tắc này đang được tái áp dụng với cả những hành khách đã được tiêm phòng đầy đủ.

Các nền kinh tế ở Đông Nam Á chịu tổn thất nặng nề vì Covid-19. Lệnh giãn cách xã hội, phong tỏa và đóng cửa biên giới đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhu cầu tiêu thụ trong nước lẫn quốc tế ở những lĩnh vực như bán lẻ, dịch vụ ăn uống và lưu trú – vốn là trụ cột của nhiều nền kinh tế trong khu vực.

Theo báo Hindustan Times, kinh tế Đông Nam Á phục hồi mạnh mẽ trong 2 quý đầu năm 2021, trước khi khựng lại trong quý III vì biến thể Delta. Trong báo cáo mới đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Đông Nam Á năm 2021 từ 4,4% xuống còn 3,1%. Báo cáo của ADB hạ dự báo tăng trưởng của tất cả nền kinh tế trong khu vực, ngoại trừ Singapore và Philippines.

Cao Lực


HẢI NGỌC

Chia sẻ