New Zealand hôm 21-12 quyết định hoãn kế hoạch mở lại biên giới đến cuối tháng 2-2022. Trong khi đó, ngày càng có nhiều nước tái phong tỏa một phần hoặc toàn phần hoặc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội khác những ngày qua, trong đó có Hàn Quốc, Hà Lan, Đức, Ireland…

Đáng chú ý, Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 20-12 đánh giá tình hình “cực kỳ khó khăn” khi số người nhập viện vì Covid-19 tăng mạnh ở London.

Chính quyền ông Johnson cho hay không loại trừ khả năng áp thêm các biện pháp phòng dịch mới trong trường hợp số ca mắc Omicron tiếp tục tăng mạnh. Tại Mỹ, theo Reuters, Omicron đã qua mặt biến thể Delta để trở thành chủng trội với tốc độ cực nhanh, cũng như gây ra trường hợp tử vong đầu tiên hôm 20-12.

Một nhà hàng vắng khách ở thủ đô London cuối tuần rồi trong bối cảnh số ca Covid-19 tăng mạnh tại Anh.Ảnh: Reuters

Sự lây lan mạnh mẽ của Omicron làm dấy lên lo ngại sẽ có thêm nhiều nước áp đặt các biện pháp hạn chế, đe dọa làm xáo trộn nền kinh tế và tác động đến các thị trường. Riêng tại châu Âu, các nhà đầu tư dầu lo ngại những biện pháp phòng chống dịch Covid-19 mới thực thi sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu nhiên liệu, khiến giá dầu thô sụt giảm.

Sự hoành hành của Omicron cũng buộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi mọi người hủy kế hoạch nghỉ lễ dịp cuối năm. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 20-12 cho rằng “một sự kiện bị hủy bỏ tốt hơn là một cuộc sống bị hủy diệt”, đồng thời cần phải đưa ra những “quyết định khó khăn”.

Theo ông Tedros, hiện có bằng chứng cho thấy Omicron lây lan nhanh hơn đáng kể so với chủng Delta. Ngoài ra, nhà khoa học trưởng WHO Soumya Swaminathan nhấn mạnh sẽ là “thiếu khôn ngoan” nếu dựa vào những bằng chứng ban đầu để kết luận Omicron là một biến thể nhẹ hơn những biến thể trước đó.

Dù vậy, ông Tedros nhấn mạnh đại dịch có thể chấm dứt vào năm 2022 bằng cách bảo đảm rằng 70% dân số ở mọi quốc gia trên thế giới được tiêm phòng vào giữa năm tới.


Xuân Mai

Chia sẻ