Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí The Lancet Planetary Health hôm 6-3 còn cho biết chỉ khoảng 0,001% dân số toàn cầu hít thở bầu không khí “có thể chấp nhận được”.

Được tiến hành bởi các nhà khoa học ở Úc và Trung Quốc, nghiên cứu trên cho thấy ở cấp độ toàn cầu, hơn 70% số ngày trong năm 2019 chứng kiến nồng độ PM2.5 hằng ngày vượt quá 15 microgam/m3 – mức tiêu chuẩn của WHO.

Chất lượng không khí đặc biệt đáng lo ngại ở các khu vực như Nam Á và Đông Á, nơi hơn 90% số ngày trong năm 2019 có nồng độ PM2.5 trên ngưỡng an toàn.

“Tiếp xúc PM2.5 trong thời gian ngắn cũng gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng” – trưởng nhóm nghiên cứu Yuming Guo của Trường ĐH Monash (Úc) khẳng định.

Bụi mịn PM2.5 có thể gây ung thư phổi và bệnh tim mạch Ảnh: REUTERS

Khi ước tính mức độ ô nhiễm hằng năm trên tất cả các khu vực, ông Guo và đồng nghiệp nhận thấy nồng độ cao nhất ở Đông Á (50 microgam/m3), tiếp đến là Nam Á (37 microgam/m3) và Bắc Phi (30 microgam/m3). Họ cũng xem xét tình trạng ô nhiễm không khí đã thay đổi như thế nào trong 2 thập kỷ tính đến năm 2019.

Hầu hết khu vực ở châu Á, phía Bắc và cận Sahara châu Phi, châu Đại Dương, châu Mỹ Latin và vùng Caribbean đều ghi nhận nồng độ PM2.5 gia tăng trong quãng thời gian này, một phần do cháy rừng dữ dội.


Cao Lực