Quốc hội Úc hôm 25-2 thông qua luật yêu cầu các tập đoàn số toàn cầu trả tiền cho nội dung tin tức địa phương. Luật mới này mở đường cho những công ty công nghệ như Google, Facebook chi hàng chục triệu USD cho các thỏa thuận nội dung địa phương, cũng như trở thành hình mẫu để giải quyết tranh cãi giữa họ và các cơ quan quản lý khắp thế giới.

Chính phủ Úc cho biết luật mới sẽ bảo đảm các hãng truyền thông được chi trả công bằng cho nội dung tin tức tạo ra, từ đó giúp duy trì hoạt động báo chí ở nước này. Theo Reuters, các công ty công nghệ và hãng truyền thông sẽ tự tiến hành đàm phán về vấn đề này và luật sẽ quy định tiến trình giải quyết tranh chấp trong trường hợp hai bên không tìm được tiếng nói chung.

Theo trang The Verge, Google vào năm ngoái ra mắt sản phẩm “News Showcase” và hiện trả tiền cho hơn 450 trang tin tức khắp thế giới có nội dung hiển thị trên đó. Riêng tại Úc, “News Showcase” đi vào hoạt động hồi đầu tháng 2 này và Google đã đạt thỏa thuận với một số hãng truyền thông lớn về việc hiển thị tin tức trên đó. Trong khi đó, mạng xã hội Facebook cũng đang tìm kiếm các thỏa thuận tương tự đối với tính năng “News”, dự kiến xuất hiện tại Úc trong năm nay.

Tin tức hiển thị trên sản phẩm News Showcase của Google Ảnh: MUMBRELLA

Cả Facebook và Google bị đưa vào tầm ngắm sau cuộc điều tra của Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc (AAAC) về sự thống trị của họ trong thị trường quảng cáo trực tuyến. Nhiều tờ báo Úc phải đóng cửa trong những năm qua do nguồn thu sụt giảm sau khi quảng cáo đổ vào nền tảng xã hội của các công ty công nghệ. Theo AAAC, với mỗi 100 AUD được chi cho quảng cáo ở Úc hiện nay, 49 AUD rơi vào tay Google và Facebook nhận 24 AUD. Trong nỗ lực xoa dịu chỉ trích, hai công ty này cho biết sẽ đầu tư khoảng 1 tỉ USD để hỗ trợ lĩnh vực tin tức trên thế giới trong 3 năm tới.

Với bước đi trên, Úc trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa Bộ quy tắc đàm phán nội dung tin tức trở thành luật và ngày càng có nhiều quốc gia xem xét động thái tương tự. Theo Reuters, Canada chuẩn bị đưa ra dự luật trong những tháng tới nhằm buộc công ty công nghệ trả tiền cho nội dung của các hãng truyền thông. Ở chiều ngược lại, Facebook đang tìm hiểu khả năng đạt thỏa thuận cấp phép tin tức với các hãng tin tại quốc gia Bắc Mỹ này trong năm tới và tăng cường đầu tư vào các sáng kiến báo chí tại đây. Vào tuần rồi, Bộ trưởng Di sản Canada Steven Guilbeault, người phụ trách soạn thảo dự luật trên, chỉ trích Facebook chặn tin tức ở Úc và nhấn mạnh điều này không ngăn được Ottawa đưa ra quy định mới.

Một số nước ở châu Âu, như Thụy Điển và Đan Mạch cũng đang xem xét thực thi luật cho phép các hãng truyền thông được trả tiền khi nội dung báo chí của họ được chia sẻ trên nền tảng xã hội. “Chúng tôi muốn các tờ báo có cơ hội phổ biến nội dung của mình trên mạng. Tuy nhiên, chúng tôi cũng muốn các đại gia công nghệ toàn cầu trả tiền cho việc sử dụng nội dung báo chí và chúng tôi muốn các điều kiện cạnh tranh công bằng và hợp lý hơn” – ông Thomas Mattsson, quyền Giám đốc điều hành Hiệp hội Các nhà xuất bản truyền thông Thụy Điển nói với đài SVT. Trong khi đó, chuyên gia Patrik Sundsberg của Bộ Tư pháp Thụy Điển cho biết mục tiêu xây dựng luật trên là điều chỉnh mối quan hệ giữa các hãng truyền thông và công ty công nghệ, trao cho chủ sở hữu tin tức đặc quyền đối với các nội dung của mình.

Nước láng giềng Đan Mạch cũng đang chuẩn bị đưa ra dự luật tương tự. Bộ trưởng Văn hóa Đan Mạch Joy Mogensen cho biết nước này thậm chí sẵn sàng đi xa hơn trong việc cho phép các hãng truyền thông đàm phán tập thể bởi họ đang phải đấu với những công ty công nghệ “rất lớn mạnh”. 

Đây là giải pháp tốt nhất

Dĩ nhiên là luật mới ở Úc cũng đối mặt chỉ trích rằng nó trừng phạt các công ty đổi mới sáng tạo trong lúc không có gì bảo đảm số tiền bản quyền có được từ doanh nghiệp công nghệ sẽ đủ giúp lĩnh vực truyền thông truyền thống vượt khó. Dù vậy, một số chuyên gia cho rằng đây là giải pháp tốt nhất có được lúc này đối với ngành công nghiệp tin tức trước khi nhận được những hỗ trợ khác về tài chính.


Hoàng Phương

Chia sẻ