Hai nhà kinh tế học người Mỹ là Paul R. Milgrom và Robert B. Wilson hôm 12-10 được trao giải Nobel Kinh tế cho nỗ lực cải thiện lý thuyết đấu giá và sáng tạo ra các hình thức đấu giá mới và tốt hơn, được ứng dụng nhiều trong nền kinh tế.

“Đấu giá được sử dụng ở mọi nơi và ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Hai người đoạt giải Nobel Kinh tế năm nay, Paul Milgrom và Robert Wilson, đã cải thiện lý thuyết đấu giá và phát minh các hình thức đấu giá mới, mang lại lợi ích cho người bán, người mua và người nộp thuế trên khắp thế giới” – website chính thức của giải Nobel nhận định.

Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển cho biết thêm 2 ông Milgrom và Wilson đã vận dụng những hiểu biết của mình để thiết kế các hình thức đấu giá mới dành cho những loại hàng hóa, dịch vụ khó bán theo cách truyền thống, như tần số vô tuyến, điện…

Một trong những hình thức đấu giá mới này được nhà chức trách Mỹ sử dụng để bán tần số vô tuyến cho các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông vào năm 1994. Kể từ đó, nhiều nước khác đã làm theo cách này của Mỹ trong hàng chục cuộc đấu giá có giá trị hàng trăm tỉ USD trên thế giới. Không gì lạ khi Trường ĐH Stanford (Mỹ), nơi 2 nhà kinh tế học nói trên làm việc, đánh giá công trình của 2 ông đã tác động mạnh đến ngành công nghiệp viễn thông hiện đại.

Hình ảnh 2 ông Paul R. Milgrom và Robert B. Wilson tại cuộc họp báo về giải Nobel Kinh tế tại TP Stockholm – Thụy Điển hôm 12-10 Ảnh: REUTERS

Ông Peter Fredriksson, Chủ tịch Ủy ban giải Nobel Kinh tế, nhận định 2 nhà kinh tế học nói trên khởi đầu từ lý thuyết cơ bản và sau đó vận dụng kết quả thu được vào ứng dụng thực tế. “Phát hiện của họ mang lại lợi ích to lớn cho xã hội” – ông Fredriksson đánh giá. Trong số này, ông Wilson đã phát triển lý thuyết đấu giá các vật dụng có “giá trị chung”, tức giá trị không rõ ràng trước đấu giá nhưng được mọi người đồng ý sau khi chốt giá.

Ông Wilson cũng chỉ ra nguyên nhân người đấu giá hợp lý thường có xu hướng đưa ra mức giá thấp hơn giá trị chung của vật dụng mà họ ước tính. Lý do là người đấu giá lo lắng về “lời nguyền của người chiến thắng”, tức tình huống người đấu giá bị thiệt hại do đánh giá cao giá trị vật dụng và trả giá quá cao để có được nó.

Trong khi đó, ông Milgrom đã xây dựng một lý thuyết tổng quát hơn về đấu giá, không chỉ cho phép các giá trị chung mà còn cho phép các giá trị riêng khác nhau giữa những người đấu giá. Theo thời gian, nhiều loại hàng hóa phức tạp hơn đã xuất hiện, như tần số vô tuyến, địa điểm máy bay hạ cánh hoặc cất cánh…, thúc đẩy 2 ông Milgrom và Wilson phát minh các hình thức đấu giá mới để có thể bán đấu giá đồng thời nhiều loại hàng hóa liên quan với nhau cùng lúc.

Hai nhà kinh tế học Milgrom (72 tuổi) và Wilson (83 tuổi) sẽ chia nhau giải thưởng 10 triệu krona Thụy Điển (khoảng 1,1 triệu USD). Sau khi hay tin mình được giải Nobel Kinh tế, ông Wilson cho biết chưa có kế hoạch tức thì với khoản tiền thưởng trên trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành. “Có lẽ tôi sẽ để dành nó cho vợ con” – ông nói với các phóng viên qua điện thoại.

Ra đời năm 1968, giải Nobel Kinh tế có tên chính thức là Giải thưởng Ngân hàng Trung ương Thụy Điển cho khoa học kinh tế để tưởng nhớ ông Alfred Nobel, nhà sáng lập giải Nobel. Giải Nobel Kinh tế cũng khép lại mùa Nobel năm nay sau khi các giải Nobel Y học, Vật lý, Hóa học, Văn chương và Hòa bình được công bố vào tuần rồi. Đáng chú ý, người Mỹ chiếm đa số trong danh sách những người nhận giải Nobel năm nay (7/11 người, không tính giải Nobel Hòa bình). 


Hoàng Phương

Chia sẻ