Đây là hiệp ước của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về bảo vệ đa dạng sinh học tại vùng biển quốc tế. Dù hiện chiếm hơn 60% diện tích đại dương của thế giới và gần 50% bề mặt trái đất song vùng biển quốc tế chưa được quan tâm nhiều.

Theo Reuters, hiệp ước trên sẽ mang tính ràng buộc về pháp lý nhằm bảo tồn và bảo đảm sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển. Chẳng hạn, một khi có hiệu lực, hiệp ước sẽ cho phép lập khu bảo tồn trong các vùng biển quốc tế.

Hiệp ước cũng buộc các quốc gia tiến hành đánh giá tác động môi trường của các hoạt động được đề xuất trên vùng biển này. Để hiệp ước có hiệu lực, các quốc gia sẽ phải chính thức thông qua và phê chuẩn. Các khu bảo tồn biển sẽ được xác định bằng hình thức bỏ phiếu.

Cá voi xanh nổi lên để hít thở trong một bức ảnh được Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) công bố Ảnh: NOAA/REUTERS

Lợi ích kinh tế là điểm tranh cãi chính trong suốt vòng đàm phán mới nhất, diễn ra từ hôm 20-2. Các nước đang phát triển kêu gọi chia sẻ nhiều hơn lợi ích tiềm tàng từ “nền kinh tế xanh”, bao gồm việc chuyển giao công nghệ. Do không có tiền chi trả cho các nghiên cứu tốn kém, các quốc gia này đã đấu tranh để được hưởng lợi từ việc thương mại hóa các chất tiềm năng được phát hiện trong vùng biển quốc tế.

Theo The New York Times, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres gần đây cảnh báo đại dương đã chịu áp lực trong nhiều thập kỷ. Trong đó, đánh bắt quá mức và biến đổi khí hậu là những mối đe dọa hàng đầu đối với đa dạng sinh học biển.

Chẳng hạn cá mập và cá đuối sống ở đại dương đã giảm hơn 70% kể từ năm 1970. Các mối đe dọa mới đối với sinh vật biển cũng đang xuất hiện khi con người tìm đến đại dương để khai thác các khoáng sản có giá trị…

Thỏa thuận về BBNJ được xem là một phần quan trọng trong nỗ lực toàn cầu nhằm bảo vệ 30% diện tích đất và biển của thế giới vào cuối thập kỷ này. Mục tiêu gọi là “30×30” này đã được thảo luận và nhất trí tại Hội nghị Thượng đỉnh về đa dạng sinh học LHQ năm 2022 (COP15), diễn ra ở TP Montreal – Canada hồi tháng 12.


Anh Thư