Nước Đức đang thực hiện kế hoạch mở cửa lại những cửa hàng nhỏ và cho một số trường học được bắt đầu lại vào tháng 5 như những bước đầu tiên để trở lại cuộc sống bình thường sau một thời gian dài phong toả vì Covid-19.

Thủ tướng Đức Angela Merkel là một trong những nhà lãnh đạo nữ được khen ngợi nhiều nhất về cách lãnh đạo đất nước đối phó dịch bệnh. 

Bà Abigail Post, trợ lý giáo sư về an ninh quốc gia và khoa học chính trị tại Đại học Anderson ở bang Indiana (Mỹ), nhận xét bà Merkel đã giải quyết vấn đề “một cách thật sự ấn tượng”.

Thủ tướng Đức Angela Merkel . Ảnh: Reuters

Tại sao các nữ lãnh đạo lại có khả năng đối phó đợt khủng hoảng này tốt đến vậy? Theo bà Post, đó là vì họ đã từng vượt qua vô vàn khó khăn trên chính trường vốn khắc nghiệt với phụ nữ để lên được vị trí lãnh đạo hiện tại. Bà Post cho rằng phụ nữ thường bị cho là mềm yếu nhưng chính điều đó càng làm cho họ thể hiện rõ được sự quyết đoán và chắn chắn của mình.

Những nữ lãnh đạo thường có khuynh hướng tìm đến lời khuyên của các chuyên gia và sẽ hành động một cách đồng cảm trong suốt khủng hoảng. Quyết định tự cách ly 2 tuần của bà Merkel là một ví dụ.

“Đó dường như là một chiến thuật lãnh đạo rất độc đáo mà chúng ta thường thấy từ một nữ lãnh đạo hơn là một người đàn ông” – bà Post nói. “Điều đó làm cho bạn tự hỏi số người nhiễm bệnh và tử vong trong đại dịch sẽ như thế nào nếu thế giới có nhiều “nữ tướng” hơn”.

Nhưng bà Post nhấn mạnh rằng “chỉ cần có nhiều nữ lãnh đạo” không phải là câu trả lời. Công chúng trong nước cũng phải thay đổi thái độ của mình đối với các nhà lãnh đạo nữ để họ có thể làm việc hiệu quả hơn. Bà cũng chỉ ra rằng những nhà lãnh đạo nữ trong cuộc chiến chống Covid-19 trên toàn thế giới đều là những người có tỉ lệ ủng hộ cao.

Đức

Thủ tướng Merkel được khen ngợi vì đã hành động nhanh chóng khi đối mặt với đại dịch và giữ cho số ca tử vong thấp. Các biện pháp tương đối nghiêm ngặt đã được bà áp dụng sớm bao gồm đóng cửa tất cả trường học, nhà trẻ, cấm các cuộc tụ họp đông người và đóng cửa biên giới với các nước láng giềng.

Do đó, tốc độ tăng các ca nhiễm mới đã chậm lại trong những tuần gần đây và số ca tử vong ít hơn rất nhiều so với các quốc gia khác dù số ca nhiễm bệnh tương đương.

New Zealand

Tại New Zealand, Thủ tướng Jacinda Ardern từ tháng 3 đã đóng cửa du lịch và cho thực hiện phương án ứng phó với Covid-19 ở cấp độ cao nhất là cấp 4, theo đó các văn phòng, trường học và các dịch vụ không thiết yếu bao gồm quán bar, nhà hàng và sân chơi đã bị đóng cửa.

Kết quả là quốc đảo gần 5 triệu người này đã có 1.409 trường hợp nhiễm bệnh và chỉ có 11 người tử vong.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern. Ảnh: EPA

Hôm 23-4, bà Ardern thông báo rằng nước này sẽ bắt đầu mở cửa trở lại nền kinh tế và thận trọng tiến tới nới lỏng phong toả xuống cấp 3.

“Đã có những tín hiệu lạc quan cho thấy chiến thuật hành động sớm và quyết liệt của chúng ta đang mang lại hiệu quả và việc phong toả đã chặn đứng nguy cơ lây lan trong cộng đồng” – bà Ardern nói. Theo bà, “việc giảm xuống cấp 3 là một bước tiến tiếp theo chứ không phải là sự vội vàng để quay lại trạng thái bình thường”.

Đài Loan

Đài Loan, một hòn đảo với 24 triệu dân chỉ có 395 trường hợp nhiễm bệnh và chỉ có 6 người chết. Được lãnh đạo bởi bà Thái Anh Văn, Đài Loan đã hành động nhanh chóng để đưa ra các phương pháp cụ thể nhằm phát hiện các ca nhiễm, cách ly ngăn chặn lây nhiễm và và phân bổ nguồn lực, theo một bài báo học thuật được công bố trên tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ tháng trước.

Bà Thái Anh Văn. Ảnh: Reuters

Các quan chức Đài Loan bắt đầu cho kiểm tra người về từ Vũ Hán trên các chuyến bay trực tiếp về các triệu chứng sốt và viêm phổi vào cuối tháng 12 và cách ly họ. Trong suốt 5 tuần vào tháng 1 và tháng 2, Đài Loan đã lập ra và áp dụng danh sách 124 biện pháp cần thực hiện để ngăn virus lây lan.

Nhiều tác giả các bài báo về Đài Loan đã nhận định: “Đài Loan là một ví dụ về cách một xã hội có thể phản ứng nhanh với khủng hoảng và bảo vệ lợi ích của công dân”

Các nước Bắc Âu

Iceland, do Thủ tướng Katrin Jakobsdottir lãnh đạo, đã đạt được điều mà chưa một quốc gia nào khác làm được: xét nghiệm Covid-19 cho 10% dân số. Đất nước này đã cấm các cuộc tụ họp trên 20 người nhưng không áp dụng phong toả toàn quốc. Trong số 1.739 ca nhiễm coronavirus của Iceland chỉ có 8 trường hợp tử vong.

Thủ tướng Katrin Jakobsdottir của Iceland. Ảnh: AP

Phần Lan gần đây đã tăng gấp đôi năng lực xét nghiệm Covid-19 và triển khai thử nghiệm kháng thể trên toàn quốc, theo truyền thông địa phương. Thủ tướng Phần Lan, bà Sanna Marin, 34 tuổi, là nữ lãnh đạo một quốc gia trẻ nhất thế giới. Trong một cuộc thăm dò gần đây, 85% người Phần Lan cho biết họ đã đồng tình với cách xử lý đại dịch của bà Marin. Dịch bệnh tại Phần Lan khiến 3.489 người mắc bệnh, trong đó có 75 người chết.

Tại Na Uy, Thủ tướng Erna Solberg tuần trước tuyên bố rằng một số biện pháp kiểm soát chặt chẽ của quốc gia đang được thực hiện từ tháng 3 sẽ được nới lỏng, bao gồm mở lại trường mẫu giáo và một số doanh nghiệp. Trong một cuộc họp báo, bà Solberg cho biết tốc độ lây nhiễm đã chững lại và đất nước “đã kiểm soát được virus”. Tổng cộng Na Uy có 6,905 người đã bị nhiễm bệnh, trong đó 157 người đã chết.

Thủ tướng Erna Solberg của Na Uy. Ảnh: Flickr


N. Thương (theo USA Today)