Các bộ trưởng ngoại giao của Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ nhóm họp vào ngày 1 và 2-3 ở New Delhi – Ấn Độ trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine và căng thẳng Mỹ – Trung leo thang.

Cuộc họp diễn ra vài ngày sau khi hội nghị thượng đỉnh Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng các nước G20 tại TP Bengaluru – Ấn Độ khép lại hôm 25-2 mà không đạt được tuyên bố chung.

Theo hãng tin Reuters, ông Anil Wadhwa, nhà ngoại giao Ấn Độ kỳ cựu và là thành viên tại Tổ chức Quốc tế Vivekananda (Ấn Độ), nhận định cuộc họp G20 sắp tới cũng khó thống nhất được tuyên bố chung về đề xuất cách thức và cơ chế giải quyết khủng hoảng Ukraine, với lý do lớn nhất là tình hình ở nước này đang rất phức tạp.

Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) hôm 26-2 cho rằng Trung Quốc đang cân nhắc cung cấp vũ khí cho Nga. Trong khi đó, truyền thông Mỹ dẫn lời các quan chức Mỹ giấu tên nói rằng Bắc Kinh đang xem xét liệu có cung cấp máy bay không người lái và một số loại vũ khí cho Nga hay không.

Phái đoàn do Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Tajikistan Sirojiddin Muhriddin (bìa trái) dẫn đầu hội đàm tại Kazakhstan hôm 28-2 Ảnh: REUTERS

Tuy nhiên, người đứng đầu cơ quan tình báo quân đội Ukraine Kyrylo Budanov đã bác bỏ những thông tin trên. “Hiện tại, tôi không thấy bất kỳ dấu hiệu nào chỉ ra rằng Trung Quốc đang thảo luận những điều như vậy” – ông Budanov nhấn mạnh hôm 27-2.

Theo tờ South China Morning Post (SCMP), đề cập nguồn vũ khí mà Nga nhận được, ông Budanov cho biết tính đến nay Iran là quốc gia duy nhất thực sự đã chuyển vũ khí cho Nga.

Phản ứng trước cáo buộc của Mỹ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh hôm 27-2 cho rằng chính Mỹ đã viện trợ hàng tỉ USD vũ khí cho Ukraine trong khi Bắc Kinh vẫn duy trì lập trường trung lập, thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình và giải pháp chính trị.

Theo đài RT, bà Mao Ninh nói: “Mỹ không có quyền có ý kiến về mối quan hệ của Trung Quốc – Nga và chúng tôi sẽ không bao giờ chấp nhận sự ép buộc và áp lực từ phía Mỹ”. Bà Mao Ninh cũng tố ngược Washington đang tuyên truyền thông tin sai lệch về vũ khí và trừng phạt các công ty Trung Quốc một cách vô lý.

Lên tiếng ủng hộ kế hoạch tìm giải pháp hòa bình cho khủng hoảng Ukaine của Trung Quốc là “đáng được quan tâm đặc biệt”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 28-2 cho hay Nga sẽ nghiên cứu chi tiết các ý tưởng này.

 Ông Peskov nói: “Tất nhiên, các chi tiết đề xuất cần được phân tích cẩn thận có tính đến lợi ích của tất cả các bên. Đây là một tiến trình rất dài và căng thẳng”. SCMP dẫn lời ông Peskov nhấn mạnh Nga sẽ tiếp tục theo đuổi “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine và hiện chưa thấy bất kỳ dấu hiệu nào về khả năng đạt được một giải pháp hòa bình.

Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị diễn biến khó lường, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có chuyến thăm Kazakhstan hôm 28-2 và có cuộc họp C5+1 giữa Mỹ với các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ gồm Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan.

Tại cuộc họp, ông Blinken nhấn mạnh cam kết của Mỹ đối với độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia Trung Á.

Cùng ngày, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, đồng minh thân cận của nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin, đã bắt đầu chuyến thăm Bắc Kinh trong vòng 3 ngày. Theo Reuters, Belarus đến nay vẫn ủng hộ Nga mạnh mẽ và cho phép Moscow triển khai quân đội, máy bay chiến đấu và các loại vũ khí khác trên lãnh thổ nước này. 


XUÂN MAI