Ấn Độ hôm 26-4 công bố số ca Covid-19 mới cao kỷ lục trên thế giới trong ngày thứ 5 liên tiếp, giữa lúc các bệnh viện ở vùng thủ đô New Delhi và trên khắp cả nước phải từ chối tiếp nhận bệnh nhân vì thiếu ôxy và giường bệnh. Với 352.991 ca mắc mới, Ấn Độ đến giờ đã ghi nhận tổng cộng 17,31 triệu ca mắc. Số người thiệt mạng vì dịch Covid-19 cũng tăng thêm 2.812 người, lên tổng cộng 195.123 người.

Theo các dự báo được đệ trình trong cuộc họp mới đây giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và thủ hiến các bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch Covid-19, làn sóng lây nhiễm thứ 2 tại Ấn Độ có thể đạt đỉnh vào giữa tháng 5 với khoảng 500.000 ca mắc/ngày.

Trong bối cảnh khủng hoảng Covid-19 ngày một trầm trọng tại Ấn Độ, Tổng thống Joe Biden hôm 25-4 tuyên bố Mỹ sẽ gửi nguyên liệu thô sản xuất vắc-xin, thiết bị y tế và thiết bị bảo hộ cho quốc gia Nam Á này.

Trong một tuyên bố tương tự vào ngày 26-4, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas thông báo quốc gia của ông sẽ gửi ôxy, cũng như viện trợ y tế cho Ấn Độ trong vài ngày tới và sẽ làm tất cả để giúp họ vượt qua tình hình nguy cấp. Pháp cũng gia nhập danh sách các nước hỗ trợ Ấn Độ chống dịch bằng thông báo sẽ gửi ôxy.

Tại Brussels, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen công bố kế hoạch viện trợ ôxy và thuốc cho Ấn Độ, nói rằng tổ chức này đang “tập hợp nguồn lực để hồi đáp nhanh chóng yêu cầu hỗ trợ” của quốc gia 1,3 tỉ dân. Ngay cả Pakistan cũng đề nghị viện trợ thiết bị và vật tư y tế để giúp Ấn Độ “phục hồi nhanh chóng” dù quan hệ hai nước láng giềng này đang căng thẳng.

Người dân đeo khẩu trang chờ tiêm phòng Covid-19 tại TP Mumbai – Ấn Độ hôm 26-4. Ảnh: REUTERS

Tình hình dịch Covid-19 buộc Thái Lan hôm 26-4 quyết định hạn chế đi lại với Ấn Độ. Bản thân quốc gia Đông Nam Á này cũng đang chật vật với cuộc chiến chống dịch Covid-19 khi ghi nhận thêm 2.048 bệnh nhân và 8 trường hợp tử vong ngày 26-4, nâng tổng số lên lần lượt là 57.508 và 148. Trong số các ca mắc mới, 901 ca đến từ thủ đô Bangkok – tâm dịch của làn sóng lây nhiễm hiện tại.

Nhằm làm chậm tốc độ lây lan của virus, chính quyền Bangkok đã ra lệnh đóng cửa công viên, phòng tập thể dục, rạp chiếu phim… từ ngày 26-4 đến 9-5. Tổng Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Natthapol Nakpanich cho biết Trung tâm Quản lý tình hình Covid-19 Thái Lan (CCSA) vào ngày 28-4 sẽ cân nhắc các biện pháp kiểm soát mới, cũng như xem xét liệu có cần siết chặt hạn chế đối với hoạt động kinh doanh và đi lại ở Bangkok hay không.

Tổng số ca mắc Covid-19 tại Thái Lan đã tăng gần gấp đôi kể từ đầu tháng 4, khi làn sóng lây nhiễm mới bùng phát tại các địa điểm giải trí ở thủ đô Bangkok và lan sang phần lớn tỉnh của nước này.

Mặc dù bức tranh dịch Covid-19 toàn cầu đang nhuốm màu u ám, quan chức đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Campuchia Li Ailan hôm 26-4 nhấn mạnh hy vọng vẫn còn, kể cả tại quốc gia này. “Không bao giờ là quá trễ để xoay chuyển tình hình Covid-19. Hy vọng vẫn chưa mất, miễn là Campuchia đồng lòng chống dịch” – bà Ailan khẳng định, theo báo Khmer Times. Tuyên bố trên được đưa ra giữa lúc dịch bệnh đang lây lan mạnh mẽ tại Campuchia với tổng số ca mắc là 10.555 và 79 trường hợp tử vong tính đến ngày 26-4. 

Covid-19 không làm khó chi tiêu quân sự

Tổng chi tiêu quân sự trên toàn thế giới tăng 2,6%, lên 1.981 tỉ USD trong năm 2020, bất chấp tác động kinh tế của đại dịch Covid-19. Đây là thông tin được đưa ra trong báo cáo mới của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) hôm 26-4. Ông Diego Lopes da Silva, nhà nghiên cứu của Chương trình Chi tiêu quân sự và vũ khí tại SIPRI, nhận định đại dịch Covid-19 không tác động đáng kể đến chi tiêu quân sự toàn cầu vào năm 2020 nhưng vẫn còn quá sớm để biết được liệu con số này sẽ tăng, giảm ra sao trong năm thứ 2 của dịch bệnh.

Theo đài DW (Đức), 5 quốc gia chiếm 62% tổng chi tiêu quân sự toàn cầu là Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và Anh. Mỹ tiếp tục là nước có ngân sách quốc phòng lớn nhất thế giới khi chi tiêu khoảng 778 tỉ USD cho quân sự vào năm ngoái, tăng 4,4% so với năm 2019. Đây là năm thứ 3 liên tiếp Mỹ tăng chi tiêu quân sự sau 7 năm cắt giảm. “Những gia tăng về chi tiêu quân sự của Mỹ trong những năm gần đây chủ yếu là do đầu tư mạnh vào nghiên cứu, phát triển và một số dự án dài hạn như hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân và mua sắm vũ khí quy mô lớn” – bà Alexandra Marksteiner, nhà nghiên cứu của SIPRI, nhận định. Cũng theo bà Marksteiner, động thái này phần nào phản ánh nỗi lo ngày càng tăng của Washington về mối đe dọa đến từ các đối thủ cạnh tranh chiến lược.

Đứng sau Mỹ là Trung Quốc với mức chi tiêu quân sự ước tính 252 tỉ USD trong năm 2020, tăng 1,9% so với năm trước đó. Theo SIPRI, con số này của Bắc Kinh tăng liên tục trong 26 năm qua. Ở chiều ngược lại, một số nước như Chile và Hàn Quốc đã chuyển một phần ngân sách quốc phòng sang đối phó với dịch Covid-19. Chi tiêu quân sự của Nga và Brazil cũng ít hơn so với kế hoạch ban đầu.

Xuân Mai


Cao Lực

Chia sẻ