Đỉnh điểm của đợt nắng nóng hiện nay dự kiến diễn ra vào cuối tuần này. Khắp miền Bắc và Tây Bắc Ấn Độ cũng như một số khu vực Pakistan sẽ chứng kiến nhiệt độ cao trên mức bình thường từ 5-8 độ C.

Theo chuyên gia về khí hậu cực đoan Scott Duncan, hơn 1 tỉ người, chiếm 10% dân số thế giới, có thể trải qua cái nóng trên 40 độ C, bao gồm thủ đô New Delhi – Ấn Độ. Theo đài CNN, tại nhiều khu vực, nhiệt độ ban đêm sẽ không xuống dưới 30 độ C, khiến nguy cơ chết người gia tăng do cơ thể không kịp hồi phục từ nhiệt độ cao ban ngày, đặc biệt là đối tượng cao tuổi.

Hôm 26-4, một nhà ga ở Pakistan lập kỷ lục về nhiệt độ tối đa cao nhất ở Bắc bán cầu là 47 độ C. Theo Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD), nhiệt độ tối đa trung bình trên toàn Ấn Độ được ghi nhận vào tháng 3 đạt mức cao nhất trong 122 năm qua.

Người dân tắm gội dưới đường ống nước bị rò rỉ giữa tiết trời nóng bức ở Kolkata – Ấn Độ hôm 19-4 Ảnh: REUTERS

Tại Mỹ, nhà cung cấp nước Metropolitan Water District ở miền Nam bang California của Mỹ hôm 26-4 buộc phải yêu cầu khoảng 6 triệu người dùng cắt giảm lượng nước tưới ngoài trời xuống còn một ngày/tuần từ ngày 1-6 vì hạn hán tiếp tục hoành hành ở bang này. Thống đốc bang California Gavin Newsom cũng kêu gọi người dân tự nguyện giảm 15% lượng nước sử dụng nhưng vẫn bất khả thi.

Hạn hán ở Somalia còn khắc nghiệt hơn, phá hoại sinh kế của người dân và thúc đẩy làn sóng di cư bất hợp pháp đến châu Âu. Khoảng 6 triệu người đang đối mặt khủng hoảng lương thực sau 3 mùa thiếu mưa và 81.000 người đang trong tình trạng đói kém. Theo Hội đồng Người tị nạn Na Uy, 745.000 người đã sơ tán do đợt hạn hán mới nhất, đa số họ di cư từ tháng 1 năm nay.

Trong khi đó, báo cáo của Công ước Liên Hiệp Quốc về chống sa mạc hóa (UNCCD) hôm 27-4 cho biết tình trạng phá rừng, khai thác mỏ và ô nhiễm công nghiệp nhiều thập kỷ khiến 40% diện tích đất bị xói mòn và các nền kinh tế gặp rủi ro.

Nếu xu hướng này tiếp tục, thêm 11% diện tích đất trên thế giới – tương đương diện tích Nam Mỹ – có thể bị xói mòn vào năm 2050. Theo Reuters, không chỉ các ngành công nghiệp gặp rủi ro, tình trạng đất xói mòn có thể làm mất cây trồng và trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng khí hậu do giảm khả năng hấp thụ và lưu trữ carbon trên trái đất. 


Xuân Mai