Theo tổ chức nghiên cứu độc lập Recruit Works Institute (Nhật Bản), dân số trong độ tuổi lao động của nước này dự kiến còn 59,8 triệu người vào năm 2040, giảm 20% so với năm 2020.

Đáng chú ý, con số này dự kiến giảm nhanh chóng từ năm 2027. Ngoài ra, nguồn cung lao động ở Nhật Bản năm 2040 dự kiến giảm 12% so với năm 2022 ngay cả khi nhu cầu lao động vẫn ổn định.

Thông tin trên nêu bật những thách thức kinh tế mà quốc gia 126 triệu dân này gặp phải khi dân số già đi nhanh chóng.

Theo trang Bloomberg, Thủ tướng Kishida Fumio xem việc đảo ngược sự sụt giảm tỉ lệ sinh là ưu tiên hàng đầu của chính phủ Nhật Bản. Hôm 17-3, ông cam kết thực hiện các biện pháp cần thiết để cho phép 85% nam giới đi làm được nghỉ thai sản vào năm tài chính 2030.

Một số biện pháp khác được nói đến là tăng lương, hỗ trợ lao động trẻ về mặt kinh tế và giúp họ nuôi dạy con cái trong môi trường thuận lợi…

Người đi làm vào buổi sáng ở thủ đô Tokyo – Nhật Bản. Ảnh: BLOOMBERG

Ngoài ra, Thủ tướng Nhật Bản cam kết chi khoảng 1.000 tỉ yen (7,6 tỉ USD) để đào tạo thêm người lao động tay nghề cao trong 5 năm tới. Trước mắt, ông Kishida Fumio đang tìm giải pháp cho vấn đề thiếu hụt nghiêm trọng tài xế xe tải dự kiến xảy ra vào năm tới.

Nghiên cứu trên cũng cảnh báo sự thiếu hụt sẽ nghiêm trọng trong các lĩnh vực vốn sử dụng nhiều lao động ở Nhật Bản, như xây dựng và hoạt động chăm sóc sức khỏe do nhu cầu ngày càng tăng của dân số đang lão hóa.

Ông Shoto Furuya, người dẫn đầu nhóm nghiên cứu, nhận định cuộc khủng hoảng lão hóa dân số tương tự trên thế giới đồng nghĩa việc thúc đẩy nhập cư không phải là giải pháp khả thi nhất về lâu dài.

Trước đó, một nghiên cứu của Viện Quản lý Giá trị (Mỹ) cho rằng Nhật Bản cần 6,74 triệu lao động nước ngoài vào năm 2040 (tức gần gấp 4 lần con số nước này có hồi năm 2020) để đạt mức tăng trưởng GDP trung bình hằng năm khoảng 1,24%. 


Xuân Mai