Reuters đưa tin Anh và Nhật Bản đã đưa ra tuyên bố chung như trên sau cuộc hội đàm trực tuyến giữa Bộ trưởng Ngoại giao Toshimitsu Motegi và Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi của Nhật Bản, cùng những người đồng cấp Anh Dominic Raab và Ben Wallace vào ngày 3-2.

Tuyên bố nhấn mạnh: “Bốn bộ trưởng tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì tự do hàng hải và hàng không trên biển Đông, đồng thời kêu gọi tất cả các bên thực hiện tự kiềm chế và kiềm chế các hoạt động có thể làm gia tăng căng thẳng”.

Các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Nhật Bản cũng nhất trí tăng cường quan hệ an ninh và thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở khi Trung Quốc ngày càng trở nên lấn lướt ở biển Đông và Hoa Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi khẳng định tuyên bố chung nói trên sẽ “không chỉ tăng cường hợp tác quốc phòng song phương mà còn giúp thúc đẩy một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

Bốn bộ trưởng từ Nhật Bản và Anh hôm 3-2 đưa ra tuyên bố chung, bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về tình hình ở biển Đông và Hoa Đông. Ảnh: Reuters

Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho biết sau cuộc hội đàm trực tuyến rằng Tokyo hoan nghênh việc Anh dự kiến cử nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth, tàu chiến lớn nhất của Hải quân Hoàng gia Anh, tới Tây Thái Bình Dương vào cuối năm nay.

Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, trong cuộc họp, Nhật Bản đồng ý phối hợp với Anh tổ chức tập trận chung giữa nhóm tàu tác chiến với Lực lượng Phòng vệ của nước này. Phát biểu khi bắt đầu cuộc họp, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace mô tả nhóm tác chiến tàu sân bay “thể hiện sự kết hợp giữa khả năng chủ quyền của chúng tôi nhưng cũng là mong muốn hợp tác hơn nữa của chúng tôi”.

Đề cập đến sự hung hăng của Trung Quốc ở biển Đông và Hoa Đông, trong một bài đăng trên Facebook, Bộ trưởng Ngoại giao Toshimitsu Motegi cho biết ông và các bộ trưởng Anh “chia sẻ những quan ngại nghiêm trọng” về tình hình và “nhất trí kiên quyết phản đối những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực tầm quan trọng của trật tự hàng hải tự do và cởi mở dựa trên pháp quyền”.

Cùng ngày, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Katsunobu Kato lên tiếng quan ngại về luật Hải cảnh mới gây tranh cãi của Trung Quốc, theo đó trao quyền cho lực lượng hải cảnh sử dụng vũ lực tại những khu vực mà Bắc Kinh ngang nhiên xem là vùng biển thuộc quyền tài phán của nước này. Ông Kato cảnh báo Trung Quốc không được sử dụng luật trên để chống lại luật quốc tế.


Huệ Bình

Chia sẻ