Đó là nhận xét của Dương Vĩ, nhà thiết kế máy bay chiến đấu tàng hình đầu tiên của Trung Quốc J-20. Theo ông Dương, chiếc F-22 hai động cơ có thể đối mặt với những thách thức tương tự như máy bay ném bom F-4 mà Lầu Năm Góc phái đến chiến tranh Việt Nam trong khoảng thời gian từ năm 1965-1973.

Viết trong bài đăng trên tạp chí hàng không Trung Quốc Acta Aeronautica et Astronautica Sinica vào tháng 6, ông Dương cho rằng “những phức tạp trong môi trường và chính trị ở Việt Nam khiến F-4 gần như không thể hiện khả năng hoạt động tốc độ cao và khả năng chiến đấu”.

“Chim ăn thịt” F-22 cũng có thể phải đối mặt với những vấn đề tương tự khi nó được triển khai ở châu Á – Thái Bình Dương, theo ông Dương.

“Chim ăn thịt” F-22 Raptors bay trên bầu trời Syria năm 2018. Ảnh: Không quân Mỹ

Ông Dương không đưa ra bất kỳ sự so sánh nào giữa F-22 của Mỹ và J-20 của Trung Quốc – cả hai đều là máy bay chiến đấu hạng nặng hai động cơ thế hệ thứ năm và có kích thước tương tự.

Tuy nhiên theo các chuyên gia quân sự, nhận xét của ông Dương cho thấy J-20 Weilong (Uy Long J-20) của Tập đoàn hàng không vũ trụ Thành Đô rõ ràng được tạo ra để đối trọng với máy bay tàng hình thế hệ thứ 5 của Mỹ, bao gồm F-22 Raptor và F-35 Lightning II.

Ông Tống Trung Bình, nhà bình luận quân sự ở Hồng Kông, nói rằng lợi thế lớn nhất của J-20 là nó được phát triển sau, có nghĩa là các nhà thiết kế của J-20 có thể học hỏi từ F-22 – kể cả cách khắc phục thiếu sót và ứng dụng công nghệ mới để tối ưu hóa máy bay.

Ông Tống nói: “F-22 ban đầu được thiết kế để chiến đấu với Liên Xô cũ, ngày nay là Nga, nhưng giờ đây, đối thủ chính của Raptor là Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc ở châu Á-Thái Bình Dương”.

Cả F-22 và J-20 đều có trần bay 20 km với tốc độ tối đa hơn Mach 2 (2.470km/giờ) và nhanh hơn tốc độ âm thanh. F-22 có tầm hoạt động tương đối ngắn hơn với bán kính chiến đấu là 800 km, trong khi J-20 có thể duy trì bán kính chiến đấu khoảng 1.100 km.

J-20 phiên chế vào quân đội Trung Quốc từ năm 2017. Ảnh: Tân Hoa Xã

Nhà bình luận quân sự Trung Quốc Chu Chấn Minh từ Học viện Chiến lược và Quốc phòng Trí Viễn lưu ý rằng dù J-20 đã phiên chế vào quân đội Trung Quốc từ năm 2017 nhưng vẫn chưa “lâm trận” thực sự.

Trong khi đó, Andrei Chang, người sáng lập và là chủ bút của tạp chí quân sự Kanwa Asian Defence, cho biết khả năng chiến đấu của F-22 được nhìn thấy gần đây nhất là vào năm ngoái, khi các máy bay chiến đấu tàng hình được gửi tới Qatar.

Một nguồn tin quân sự Trung Quốc tin rằng J-20 có thể chống lại F-22 trong tình huống chiến đấu một chọi một. Cũng theo nguồn tin này, Trung Quốc hiện có khoảng 60 chiếc J-20, chỉ bằng một phần ba tổng số F-22 của Mỹ. Nguồn tin nói thêm rằng Mỹ đã triển khai hàng trăm chiếc F-35 cho châu Á – Thái Bình Dương, tạo thành mối đe dọa lớn hơn đối với Trung Quốc.

Trước việc F-22 đang được triển khai tới khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong khi mối quan hệ với Washington đang xuống thấp, bao gồm cả vấn đề biển Đông, Bắc Kinh đã đẩy mạnh phát triển máy bay chiến đấu tàng hình mới. Việc sản xuất hàng loạt J-20 bắt đầu vào đầu tháng 7.

Cả F-22 và J-20 đều được tích hợp các công nghệ cảm biến và điện tử hiện đại. Ảnh: Fighter Sweep

Trước đây, cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton từng tuyên bố rằng chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 của Trung Quốc trông rất giống F-35.

Các chuyên gia phương Tây chỉ ra rằng J-20 của Trung Quốc bị cho bản sao của F-35 do tổ hợp trinh sát dẫn bắn quang – điện tử (EOTS) nằm dưới mũi J-20 – được sử dụng phát hiện mục tiêu và dẫn dường cho vũ khí thông minh mà không cần tới radar – có nhiều điểm tương đồng với cụm EOTS trên tiêm kích F-35. Điều này cho thấy có khả năng Trung Quốc đã sao chép tính năng này từ tiêm kích Mỹ.


H.Bình (Theo SCMP)

Chia sẻ