Giáo sư Alexander Gintsburg, người đứng đầu Viện Gamaleya sản xuất vắc-xin Sputnik V, nói với hãng tin Reuters rằng tốc độ phát triển vắc xin là cần thiết trong điều kiện “thời chiến” của đại dịch Covid-19. Giáo sư Gintsburg nói rằng mọi người đang chết dần giống như trong một cuộc chiến.

Nga tăng tốc phát triển loại vắc-xin tiềm năng chống Covid-19 với tốc độ nhanh nhất bằng việc tiêm chủng đại trà trong công chúng cùng với thử nghiệm trên người, làm một số nhà quan sát lo ngại rằng Moscow đang ưu tiên uy tín quốc gia hơn là khoa học và an toàn sức khỏe.

Ngồi trong văn phòng của mình ở Moscow, ông Gintsburg cho biết nhóm nghiên cứu của ông đã được ấn định thời hạn chặt chẽ để sản xuất vắc-xin nhưng tất cả các hướng dẫn về thử nghiệm tính an toàn và hiệu quả của Sputnik V vẫn được tuân thủ.

Kế hoạch công bố kết quả tạm thời dựa trên 42 ngày đầu theo dõi các tình nguyện viên, có nghĩa là Nga có cơ hội cao trở thành nước đầu tiên trên toàn thế giới công bố dữ liệu từ giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng (giai đoạn 3) trước khi vắc-xin được cấp phép sử dụng.

Giáo sư Alexander Gintsburg nói rằng tốc độ phát triển vắc xin là cần thiết trong điều kiện “thời chiến” của đại dịch. Ảnh: Reuters

Người đầu tiên trong số 5.000 tình nguyện viên đã được chủng ngừa vào ngày 9-9, có nghĩa là kết quả tạm thời có thể được công bố sau ngày 21-10. Quỹ tài sản có chủ quyền của Nga – quỹ tài trợ cho nghiên cứu vắc-xin – dự kiến kết quả tạm thời sẽ được công bố vào tháng 10 hoặc tháng 11.

Giáo sư Gintsburg cho biết có một cuộc tranh luận về lợi ích công cộng về chia sẻ kết quả tạm thời sau 42 ngày. Người đứng đầu Viện Gamaleya nói: “Đối với tôi, chẳng hạn, nó quá ngắn. Tuy nhiên, đối với những người quan tâm đến việc mọi thứ đang diễn ra như thế nào thì quá lâu”.

Theo Giáo sư Gintsburg, các tình nguyện viên sẽ được theo dõi trong 180 ngày sau khi người cuối cùng trong số 40.000 người tham gia được tiêm chủng. 6 tháng sau, nhóm của ông đã lên kế hoạch kiểm tra kết quả cuối cùng và sau đó xuất bản chúng trên một tạp chí quốc tế. Trước đó, các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2 của Sputnik V đã được đồng nghiệp xem xét và công bố trên tạp chí khoa học uy tín quốc tế The Lancet.

Giáo sư Gintsburg cho biết cho đến nay không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào được báo cáo trong quá trình thử nghiệm giai đoạn 3. Ông cũng bảo vệ việc đăng ký sớm vắc-xin để sử dụng đại trà, nói rằng đó là cách tiếp cận đạo đức nhất.

Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 ở Ấn Độ. Ảnh: Dna India

Bên cạnh đó, Nga đã gửi lô vắc-xin Covid-19 Sputnik V đầu tiên đến Belarus để thử nghiệm lâm sàng, đây là lần đầu tiên Nga cung cấp vaccine này ra nước ngoài. Dự kiến các tình nguyện viên ở Belarus sẽ bắt đầu nhận vắc-xin của Nga từ ngày 1-10.

Một số nhà sản xuất vắc-xin phương Tây đang tiến hành thử nghiệm giai đoạn cuối, kéo dài hơn 42 ngày nhưng chưa công bố bất kỳ kết quả tạm thời nào về vắc xin covid-19 triển vọng. Thay vì ấn định một ngày cụ thể, nhiều hãng dược nói rằng họ sẽ đợi cho đến khi có được kết quả đáng tin cậy. Một số hãng dược sản xuất vắc xin đã tiến hành thử nghiệm hàng loạt ở các nước như Brazil, Nam Phi và Mỹ.

Theo dữ liệu của Trường ĐH Johns Hopkins (Mỹ), tính đến thời điểm này, đã có hơn 33 triệu ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới, trong đó 1 triệu người tử vong. Mỹ, Ấn Độ, Brazil và Mexico đang chiếm tới gần một nửa số ca tử vong toàn cầu. Tuần trước, số người tử vong ở Mỹ trên 200.000 người, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.

Ông Mike Ryan – giám đốc phụ trách các chương trình khẩn cấp y tế của WHO cảnh báo: “1 triệu là con số khủng khiếp và chúng ta cần phải suy nghĩ về điều đó trước khi nghĩ đến nguy cơ sẽ có thêm 1 triệu người nữa tử vong. Trừ khi chúng ta tiến hành các biện pháp phòng ngừa hiệu quả và mạnh tay, cột mốc đáng buồn 2 triệu sẽ sớm tới”.


H.Bình (Theo Reuters)

Chia sẻ