Theo một nghiên cứu của Mckinsey dự đoán toàn cảnh thị trường lao động đến năm 2030, các ngành như chăm sóc sức khỏe, khoa học – công nghệ, quản trị kinh doanh, pháp chế, sáng tạo và nghệ thuật sẽ trở thành những mối quan tâm hàng đầu của thị trường lao động.

Sự kết hợp giữa làm việc tại văn phòng và làm việc từ xa sẽ trở thành xu hướng chung của thị trường lao động toàn cầu. Bên cạnh đó, môi trường làm việc cũng tập trung tăng cường yếu tố nhân văn, linh động trong công việc, kết nối đa văn hóa và bồi dưỡng lãnh đạo tương lai.

Những công việc cần kỹ năng và chuyên môn cao sẽ tiếp tục được nhà tuyển dụng săn đón trong giai đoạn kinh tế thế giới đang có nhiều biến chuyển khó đoán. Đặc biệt, các công ty quan tâm đến khía cạnh áp dụng khoa học dữ liệu trong việc tối ưu hóa chi phí cũng như tăng cường hiệu quả hoạt động.

Tại Mỹ, Gen Z là thế hệ người lao động có sự lựa chọn đa dạng và nhiều cơ hội trong sự nghiệp

Sự cân bằng giữa việc làm và cuộc sống cũng là xu hướng không chỉ được nhân viên mà cả các nhà tuyển dụng quan tâm và có sự đầu tư. Ngay cả những tổ chức quốc tế tại các quốc gia phát triển cũng đang có những chính sách chăm sóc tinh thần cho nhân viên và khuyến khích nhân viên có thời gian dành cho bản thân và gia đình nhiều hơn.

Tỉ lệ nhảy việc cũng tăng và thời gian nhân viên gắn bó với mỗi đầu việc đang theo chiều hướng giảm ít nhiều, nhất là khi khoảng cách địa lý không còn là rào cản khi chọn công việc yêu thích. Giải pháp được đặt ra là giúp nhân viên kết nối với công ty nhiều hơn, văn hóa công sở mang tính cởi mở, đầu tư phát triển kỹ năng cho nhân viên và mở rộng mạng lưới kết nối giữa các nhân viên.

Đặc biệt với Gen Z, các bạn trẻ năng động, giàu tính sáng tạo và có khả năng thích nghi cao này lại quan tâm đến việc mở rộng kết nối cá nhân bên cạnh lịch làm việc linh động trong tuần. Do đó, các công ty bắt đầu quan tâm đến nhu cầu tương tác này và dần điều chỉnh thiết kế không gian làm việc, hỗ trợ nhân viên mới vào làm và tạo cơ hội phát triển cho các bạn nhiều hơn.

Bên cạnh đó, khi lạm phát toàn cầu vẫn là vấn đề nhức nhối, các công ty bắt đầu cân nhắc chính sách làm việc ít giờ hơn so với trước. Bước đi này nhằm thúc đẩy sự linh hoạt của nhân viên trong việc sắp xếp lịch làm việc và giúp nhân viên bớt áp lực khi công ty chưa thể điều chỉnh mức lương ngay lập tức. Lãnh đạo cấp cao và bộ phận quản lý nhân sự cũng cần bàn bạc kỹ lưỡng về chính sách này để áp dụng cho phù hợp với tình hình cụ thể của công ty.

Một chi tiết nữa không thể không nhắc đến trong kỷ nguyên công nghệ chính là ứng dụng của khoa học dữ liệu trong xu hướng quản trị nhân sự tương lai. Các công ty và tổ chức lớn đã bắt đầu áp dụng hệ thống quản lý hiệu quả công việc, đo lường sự tương tác của nhân viên cũng như mức độ hạnh phúc trong công việc chứ không chỉ chú trọng về năng suất. 


Bài và ảnh: Ngân Hà (Washington DC, Mỹ)