“Động thái này là cách duy nhất để bảo vệ người dân, giúp đất nước, Kabul không rơi vào hỗn loạn và những phần tử không mong muốn có thể sẽ cướp phá đất nước, cửa hàng” – ông Karzai giải thích trong một cuộc phỏng vấn với AP ngày 15-12.

Ông Karzai, 63 tuổi, từng là tổng thống Afghanistan từ năm 2001 đến năm 2014, hiện vẫn là một nhân vật có ảnh hưởng lớn ở Afghanistan.

Hòi tháng 8, khi Taliban tiếp cận thủ đô Kabul, ông Karzai cũng tham gia các cuộc đàm phán về thỏa thuận chia sẻ quyền lực giữa phong trào này và chính phủ của ông Ashraf Ghani.

Thành viên Taliban ở thủ đô Kabul. Ảnh: Reuters

Ông Karzai tiết lộ một thỏa thuận hòa bình đã được thương lượng vào ngày 14-8, trong đó ông Ghani đồng ý tới thủ đô Doha – Qatar vào ngày hôm sau để gặp các đại diện của Taliban.

Đến ngày 15-8, căng thẳng dâng cao ở Kabul khi cư dân địa phương lo sợ thủ đô sẽ “có biến”. Tuy nhiên, ông Karzai nói rằng Taliban đã gọi cho ông vào buổi sáng để yêu cầu “chính phủ nên giữ nguyên vị trí và không nên di chuyển vì họ không có ý định tiến vào thủ đô”.

Ông Karzai cho biết thêm các quan chức chính phủ Afghanistan cũng đảm bảo với ông rằng quân đội muốn bảo vệ thủ đô và khẳng định “Kabul sẽ không thất thủ”.

Nhưng tình hình thay đổi đáng kể khi vào khoảng 14 giờ 45 phút chiều 15-8, ông Ghani và các thành viên nội các hàng đầu rời khỏi Kabul.

“Không có quan chức nào có mặt ở thủ đô, không có cảnh sát trưởng, không có tư lệnh quân đội, không có đơn vị nào khác. Tất cả đã rời đi” – ông Karzai nói và tiết lộ mình được đề nghị đến cung điện để đảm nhận vai trò tổng thống song ông từ chối bởi không có cơ sở pháp lý.

Thay vào đó, vị cựu tổng thống đã chọn phát một bài phát biểu trên truyền hình từ khu nhà của ông ở Kabul, bên cạnh là các con “để người dân Afghanistan biết rằng tất cả chúng tôi đều ở đây”.

Một số cựu chính trị gia Afghanistan tin rằng nếu ông Ghani không hành động hấp tấp, thỏa thuận hòa bình sẽ được ký kết “hoàn toàn” do các chỉ huy Taliban “cũng đang chờ đợi ở Doha vì cùng một mục tiêu và mục đích”.

Ông Karzai thừa nhận bản thân thường xuyên gặp gỡ các đại diện của Taliban trong 4 tháng qua.

Khi được hỏi về Taliban, ông mô tả họ là “những người Afghanistan đã trải qua một giai đoạn rất khó khăn trong cuộc đời như tất cả người Afghanistan khác đã trải qua trong 40 năm qua”.


Phạm Nghĩa

Chia sẻ