Theo hãng tin AP, trong cuộc họp video với các phóng viên LHQ từ TP Yangon – Myanmar, quyền điều phối viên nhân đạo Andrew Kirkwood cho biết Tổng Thư ký Antonio Guterres và các quan chức LHQ khác đã nhất trí để các quốc gia thành viên Hội đồng Bảo an thực hiện hành động tập thể về tình hình Myanmar.

Ông Guterres nói rằng cần phải có một phản ứng quốc tế thống nhất, vững chắc nhằm ngăn chặn bạo lực và đưa Myanmar trở lại con đường dân chủ, theo phát ngôn viên LHQ Stephane Dujarric.

Ông Dujarric thừa nhận mọi người đang thất vọng vì cộng đồng quốc tế chưa làm được gì nhiều để giải quyết cuộc khủng hoảng tại Myanmar, trong khi họ kỳ vọng rất lớn vào vai trò của LHQ.

Một người biểu tình ghi chữ “SAVE” (Cứu giúp) lên trán ở TP Yangon Ảnh: REUTERS

Trước đó, hôm 10-3, Hội đồng Bảo an thông qua tuyên bố lên án các hành vi bạo lực chống lại người biểu tình ôn hòa, đồng thời kêu gọi quân đội Myanmar kiềm chế. Tuyên bố nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì các thể chế và quy trình dân chủ, yêu cầu trả tự do cho các nhà lãnh đạo chính phủ bị giam giữ, bao gồm bà Aung San Suu Kyi và Tổng thống Win Myint, ngay lập tức.

Tuy nhiên, khả năng LHQ thông qua lệnh trừng phạt và cử lực lượng gìn giữ hòa bình tới Myanmar được xem là khó khăn bởi Trung Quốc – thành viên Hội đồng Bảo an có quyền phủ quyết – có xu hướng phản đối lệnh trừng phạt này.

LHQ cũng coi Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là yếu tố quan trọng giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Myanmar. Hôm 20-3, báo cáo viên đặc biệt của LHQ về tình hình nhân quyền ở Myanmar, ông Tom Andrews, kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới “cắt quyền tiếp cận tiền và vũ khí của giới chức quân sự Myanmar”.

Liên minh châu Âu (EU) đã đi trước một bước khi tuyên bố sẽ trừng phạt 11 quan chức quân đội Myanmar vào đầu tuần tới. Đài Al Jazeera đưa tin 11 quan chức này bị EU đưa vào “danh sách đen” cấm thị thực và đóng băng tài sản. Các doanh nghiệp liên quan tới quân đội Myanmar cũng có thể bị trừng phạt trong những tuần tới.


Minh Nghĩa

Chia sẻ