Phát hiện trên được công bố hôm 11-3, cho thấy ngoài việc tiếp xúc trực tiếp giữa người với người, mọi người có thể bị lây nhiễm qua không khí cũng như do chạm vào những bề mặt đã bị nhiễm virus.

Kể từ khi bùng phát ở Trung Quốc vào cuối năm 2019, loại virus mới này đã lây nhiễm cho hơn 120.000 người trên toàn thế giới và gây ra hơn 4.300 ca tử vong – nhiều hơn nhiều so với dịch SARS năm 2003 do một loại virus tương tự gây ra.

Xịt thuốc khử trùng trên xe điện ngầm ở Tbilisi – Georgia ngày 2-3. Ảnh: REUTERS

Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã sử dụng một thiết bị phun sương để đưa các mẫu virus mới SARS-CoV-2 vào không khí, mô phỏng những gì có thể xảy ra nếu một người nhiễm bệnh ho hoặc làm cho virus bay ra theo một cách khác nào đó.

Họ phát hiện virus còn sống có thể được phát hiện tối đa 3 giờ sau đó trong không khí, đến 4 giờ trên đồng, 24 giờ trên bìa cứng và đến 2-3 ngày trên nhựa và thép không gỉ.

Các nhà nghiên cứu cho biết họ thu được kết quả tương tự từ các thí nghiệm được thực hiện đối với virus gây ra dịch SARS năm 2003, nên sự khác biệt về thời gian sống sót của các virus này không giải thích được loại virus mới có thể lây lan rộng hơn đến mức nào.

Các xét nghiệm trên được thực hiện bởi các nhà khoa học từ Viện Y tế quốc gia, Trường ĐH Princeton và Trường ĐH California, ở Los Angeles, với sự tài trợ của chính phủ Mỹ và Quỹ Khoa học quốc gia.

Những phát hiện trên chưa được các nhà khoa học khác xem xét và đã được đăng trên một trang web, là nơi các nhà nghiên cứu có thể nhanh chóng chia sẻ công trình của họ trước khi công bố.

Chuyên gia vi sinh học Julie Fischer, Trường ĐH Georgetown, nhận xét: “Đây là một cuộc thí nghiệm đáng tin cậy, giải đáp được nhiều câu hỏi mà mọi người đặt ra”, cho thấy giá trị và tầm quan trọng của lời khuyên về vệ sinh của các viên chức y tế công cộng.

Ngoài ra, bà nói thêm: “Những gì chúng ta cần làm là rửa tay, với nhận thức rằng những người nhiễm bệnh có thể làm nhiễm bẩn các bề mặt đồ vật”, cũng như không đưa tay lên mặt.


Hoài Vy (Theo PSB)