Nghị quyết tối 23-2 nhận được 141 phiếu thuận, 7 phiếu chống và 32 phiếu trắng, theo báo The Guardian.

Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba khẳng định: “Với việc 141 quốc gia bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày hôm nay, các nước thành viên của Liên Hiệp Quốc đã nói rõ rằng Nga phải chấm dứt chiến dịch quân sự bất hợp pháp của mình. Sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine phải được khôi phục. Một năm sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự toàn diện, sự ủng hộ toàn cầu dành cho Ukraine vẫn mạnh mẽ”.

Trong số các nước bỏ phiếu trắng, Thái Lan cho biết họ không muốn tham gia vào “một trò chơi đạo đức”, đồng thời nói thêm rằng hàng tỉ người ngoài cuộc đang gánh chịu hậu quả tồi tệ của cuộc xung đột.

Nghị quyết kêu gọi Nga rút quân tức thì và vô điều kiện khỏi Ukraine được Liên Hiệp Quốc thông qua hôm 23-2 với 141 phiếu thuận, 7 phiếu chống và 32 phiếu trắng. Ảnh: Liên Hiệp Quốc

Nam Phi nhấn mạnh rằng các nguyên tắc về toàn vẹn lãnh thổ trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc là bất khả xâm phạm và được áp dụng trong trường hợp của Ukraine. Tuy nhiên, quốc gia này cho rằng nghị quyết sẽ không thúc đẩy mục tiêu hòa bình.

Trong khi đó, Phó Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Dai Bing khẳng định phương Tây đang đổ thêm dầu vào lửa bằng cách trang bị vũ khí cho Ukraine. Ông nói điều này sẽ chỉ làm căng thẳng gia tăng.

“Một năm sau khủng hoảng, xung đột vẫn đang diễn ra và ngày càng gia tăng về quy mô, cướp đi sinh mạng của vô số người. Hậu quả từ xung đột ngày càng lan rộng. Chúng tôi vô cùng lo lắng về điều này. Lập trường của Trung Quốc về vấn đề Ukraine là nhất quán và rõ ràng. Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia cần được tôn trọng. Mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc cần được tuân thủ. Mối quan tâm an ninh chính đáng của tất cả các quốc gia cần được thực hiện nghiêm túc” – ông Bing nói thêm.

Phản bác lại, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock khẳng định nếu phương Tây không viện trợ vũ khí, Ukraine sẽ bị Nga dễ dàng kiểm soát và Hiến chương Liên Hiệp Quốc sẽ bị hủy hoại.

Xung đột Nga-Ukraine nổ ra vào ngày 24-2-2022 và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ảnh: Reuters


Cao Lực