Nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình cho Ukraine, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và Đại diện Cấp cao về Chính sách an ninh và Đối ngoại kiêm Phó Chủ tịch EC Joseph Borell có cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Kiev hôm 8-4.

Thủ tướng Áo Karl Nehammer cũng sẽ đến Kiev trong vài ngày tới sau khi có cuộc điện đàm với Tổng thống Zelensky. Tuyên bố từ Áo cho hay mục tiêu cuộc gặp là tiếp tục viện trợ nhân đạo cho Ukraine và hỗ trợ chính trị nhiều nhất có thể.

Hồi tháng trước, thủ tướng 3 nước Ba Lan, Cộng hòa Czech và Slovenia đã đến thủ đô Kiev gặp ông Zelensky để bày tỏ sự ủng hộ với Ukraine.

Theo hãng tin Reuters, đại diện đàm phán phía Ukraine Mykhailo Podolyak hôm 8-4 cho biết Ukraine và Nga đến nay vẫn liên tục tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình trực tuyến nhưng các cáo buộc về việc lực lượng Nga giết hại dân thường ở TP Bucha đã phủ bóng các cuộc thảo luận hai bên. Tuy nhiên, Moscow vẫn phủ nhận mọi cáo buộc về việc lực lượng Nga nhắm mục tiêu vào dân thường ở Ukraine.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen trên đường đến thủ đô Kiev – Ukraine hôm 8-4 Ảnh: REUTERS

Dù vậy, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba tuyên bố Ukraine sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình với Nga để ngăn chặn những vụ việc tương tự ở TP Bucha.

Phát biểu trong cuộc họp báo tại Brussels sau cuộc họp của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hôm 7-4, ông Kuleba thúc giục cộng đồng quốc tế gia tăng sức ép lên Nga nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Liên minh châu Âu (EU) hôm 7-4 cũng nhất trí thông qua gói trừng phạt thứ 5 nhằm vào Nga, gồm lệnh cấm nhập khẩu than, gỗ, hóa chất và các sản phẩm khác. Những biện pháp trừng phạt mới cũng ngăn tàu và xe tải của Nga tiếp cận EU, làm tê liệt hoạt động thương mại và sẽ cấm tất cả các giao dịch với 4 ngân hàng Nga.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 7-4 cho hay Nga hy vọng chiến dịch quân sự ở Ukraine sẽ kết thúc trong thời gian gần, có thể là trong những ngày tới. Trong cuộc phỏng vấn với Sky News, ông Peskov nhấn mạnh hoặc là binh sĩ Nga kết thúc chiến dịch bằng cách đạt được các mục tiêu quân sự đề ra hoặc Moscow và Kiev đạt được thỏa thuận hòa bình thông qua đàm phán.

Theo người phát ngôn này, viễn cảnh thỏa thuận hòa bình sẽ phụ thuộc lớn vào sự nhất quán trong lập trường của Ukraine, cũng như sự sẵn sàng của Ukraine trong việc chấp nhận các điều khoản của Nga.

Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov cho biết Moscow sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán với Kiev bất chấp những hành động khiêu khích. Theo ông Lavrov, Kiev đã trình bày một bản dự thảo thỏa thuận hôm 6-4, trong đó loại bỏ các điều khoản được ghi tại cuộc họp ở TP Istanbul – Thổ Nhĩ Kỳ hôm 29-3. 

Việt Nam kêu gọi ngừng bắn, nối lại đối thoại

Ngày 7-4 (giờ New York, Mỹ), Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (ĐHĐ LHQ) tiếp tục tổ chức phiên họp khẩn cấp lần thứ 11 về tình hình Ukraine để xem xét dự thảo Nghị quyết về việc đình chỉ tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ của Nga. Sau khi Đại hội đồng xem xét, thông qua nghị quyết, đại diện Nga tuyên bố rút khỏi Hội đồng Nhân quyền.

Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, tái khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam về giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Việt Nam phản đối mọi hành vi tấn công dân thường, vi phạm luật nhân đạo và nhân quyền quốc tế, đồng thời cho rằng cần xác minh, kiểm chứng các thông tin gần đây một cách công khai, minh bạch, khách quan, với sự hợp tác của các bên liên quan.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh Việt Nam kêu gọi các bên giảm căng thẳng, ngừng bắn, nối lại đối thoại, tìm giải pháp lâu dài cho các bất đồng trên cơ sở tính tới quyền và lợi ích chính đáng của các bên liên quan.

D.Ngọc


Xuân Mai